Ước nguyện bảo tồn sách quý

Sau nhiều thời gian xây dựng, đề án “Tủ sách Huế” đã chính thức ra mắt, đi kèm với đó là ấn phẩm đầu tiên có tên “Địa chí văn hóa Huế”. Và rồi, những cuốn sách khác sẽ làm cho tủ sách ấy dày lên với mục tiêu quảng bá văn hóa Huế, phát triển văn hóa đọc, bảo tồn những cuốn sách quý và trở thành bộ quà tặng ý nghĩa của vùng đất Cố đô.

Giới thiệu ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế.
Giới thiệu ấn phẩm đầu tiên của Tủ sách Huế.

Không gian cho sách

Một ngày giữa tháng 3, bên trong không gian Tàng Thư Lâu, đề án “Tủ sách Huế” đã được ra mắt. Địa điểm được chọn rất hợp lý, bởi ngày xưa nơi đây là Thư viện quốc gia dưới triều Nguyễn vừa được trùng tu và mở cửa hoạt động trở lại sau 75 năm đóng cửa. Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa, người yêu thích sách ở Huế đến dự đều vui mừng vì thành phố có một đề án bảo tồn giá trị văn hóa quý giá mà gần như gia đình nào ở Huế cũng rất chú trọng, đó là sách.

Ở Huế, ngoài hệ thống thư viện Nhà nước, nhiều tủ sách gia đình được xem là “kho báu” với rất nhiều đầu sách chuyên đề giá trị. Những tủ sách này được những người yêu sách gìn giữ đến ngày hôm nay và xem đó như bảo vật của gia đình. 

Ông Phạm Đức Thành Dũng (cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế) cho biết, ông và nhiều người làm việc trong ngành văn hóa rất vui khi “Tủ sách Huế” đang hình thành. “Hiện nay ở Huế có nhiều tủ sách, cuốn sách quý. Ai cũng muốn một ngày nào đó sẽ công bố đến mọi người. Nhưng quan trọng là cách ứng xử, đón nhận của chúng ta với sách, với những người sưu tầm đó ra sao. Đằng sau mỗi cuốn sách là một hành trình, là sự trân trọng mà người sưu tầm dành hết tâm huyết vào đó. Tôi tin người dân sẽ hưởng ứng”, ông Dũng chia sẻ.

Cùng quan điểm, GS, TS Triết học Thái Kim Lan mong rằng không chỉ dừng lại đó mà Huế còn có thể đi xa hơn bằng cách xây dựng một thành phố sách. Bà Lan lý giải về sự khả thi này khi chỉ rõ những điều kiện thuận lợi của Huế, gồm không gian các tuyến đường đô thị với hàng cây xanh đẹp, những công viên dọc theo bờ sông Hương lý tưởng. Ở đó, có thể tạo nên con đường sách với những ki-ốt, tủ sách để níu chân người dân, du khách. Qua đó, không chỉ bảo tồn mà còn quảng bá, đưa đến cho người yêu sách những giá trị quý giá từ những cuốn sách hay và lan tỏa văn hóa đọc giữa đời sống vội vã hiện nay.

Sách trở thành “đặc sản” quà tặng

Từ xa xưa sách đã đi vào cuộc sống. Là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết và cũng là nơi chia sẻ thông tin, suy nghĩ giữa con người với con người. Sách hay giúp mở mang kiến thức, nuôi dưỡng tâm hồn, là cách để nối liền quá khứ với hiện tại và mở ra tương lai. Vì thế, việc xây dựng “Tủ sách Huế” ngoài những lý do đã nói ở trên còn được xem là cách để bảo tồn nhiều tủ sách, cuốn sách hay về Huế có nguy cơ bị thất lạc. Theo đại diện chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế, trong quá trình thực hiện, đề án “Tủ sách Huế” sẽ tìm cách phát huy giá trị, lan tỏa đến cộng đồng cũng như bảo quản và gìn giữ cho các thế hệ mai sau. Đồng thời, đề án còn được xác định là dấu mốc để xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học trong quá trình nghiên cứu về tỉnh Thừa Thiên Huế trên mọi lĩnh vực, mà mục tiêu là phục vụ công cuộc xây dựng tỉnh trở thành đô thị văn hóa, di sản trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, có ba mục tiêu hướng tới khi xây dựng tủ sách. Đầu tiên là giới thiệu về Huế thông qua các tác phẩm, những đầu sách độc, lạ, có giá trị được sưu tầm, phục dựng. Tiếp đến là cơ hội khôi phục các đầu sách viết về Huế, khích lệ văn hóa đọc đang dần mai một, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. Và cuối cùng, xây dựng tủ sách để trở thành quà tặng mang ý nghĩa nhân văn của người Huế cho du khách thập phương khi đến Huế cùng với các “đặc sản” quà tặng khác. 

Trước mắt, tỉnh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện ứng dụng “Tủ sách Huế” nhằm quản lý, giới thiệu nội dung các đầu sách để lan tỏa và phục vụ nhu cầu bạn đọc ở trong và ngoài nước. “Tôi tin tất cả chúng ta, những người yêu Huế, có trách nhiệm với Huế sẽ chung sức, chung lòng, toàn tâm, toàn ý, toàn trí, toàn lực thực hiện thành công đề án “Tủ sách Huế”. Tất cả vì một Huế phát triển và luôn luôn mới”, ông Thọ mong mỏi.