Tỉnh táo trước thông tin giả

Trước tình trạng kẻ xấu lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đăng tải thông tin sai sự thật từ các trang mạng giả, tài khoản giả gây hoang mang người đọc, mới đây Bộ Công an đã chỉ dẫn cho người dân các kỹ năng để nhận biết thông tin không đúng trên không gian mạng.

Tỉnh táo trước thông tin giả

Bộ Công an khuyến cáo người dân khi tiếp cận thông tin trên không gian mạng cần bình tĩnh, tỉnh táo sàng lọc thông tin, tự trang bị kiến thức về pháp luật, xã hội và nhận diện rõ các thông tin xuyên tạc, giả mạo.

Cụ thể, cần kiểm chứng cơ sở nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, có thể xem mục giới thiệu để kiểm tra. Nên kiểm tra tên miền của trang mạng đăng tải thông tin. Thông thường, nguồn phát của thông tin xuyên tạc, giả mạo thường là những trang mạng có tên miền nước ngoài (.com, .org), còn các trang mạng chính thống có tên miền quốc gia “.vn” thường có địa chỉ, thông tin đăng ký rõ ràng. Bên cạnh đó, đối với các trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống, thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền (dấu tích xanh). Lưu ý, tin tức giả hay bị lỗi chính tả hoặc có bố cục lộn xộn, các hình ảnh, video trong tin giả thường bị chỉnh sửa, cắt ghép, thay đổi nội dung và ngày, tháng của sự kiện thường bị thay đổi.

Để có được thông tin tốt, người dân nên tìm các tin, bài viết trên những trang chính thống, uy tín có nội dung tương tự để đối chiếu hoặc xin sự tham vấn của các chuyên gia trên từng lĩnh vực. Khi lựa chọn thông tin đăng tải, chia sẻ từ những trang mạng xã hội nên tiếp cận luồng thông tin chính thống. Không tham gia đăng tải, chia sẻ, bình luận thông tin sai sự thật, đưa hình ảnh phản cảm, trái thuần phong mỹ tục và văn hóa của dân tộc, hoặc bôi nhọ, xúc phạm danh dự của tổ chức và cá nhân. Không thông tin trái với quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trường hợp phát hiện các hoạt động nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần báo ngay cho các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Trước đó, Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia (Cục An toàn thông tin) cũng vừa cho ra mắt website http://khonggianmang.vn nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho người dân và doanh nghiệp trước xu hướng làm việc trực tuyến bùng nổ thời dịch Covid-19.

Tại website này, các chuyên gia sẽ triển khai hướng dẫn bảo đảm an toàn thông tin khi làm việc từ xa cho các cơ quan, tổ chức và người dùng cá nhân, cùng một loạt giải pháp kỹ thuật để hỗ trợ cơ quan, tổ chức. Hiện tại, website đã cung cấp một số tài liệu, công cụ cần thiết cũng như một loạt các giải pháp kỹ thuật nhằm tránh các nguy cơ lộ, lọt dữ liệu, thông tin đăng nhập từ xa như công cụ kiểm tra địa chỉ IP, công cụ kiểm tra trang web lừa đảo (phishing), công cụ kiểm tra khả năng phòng, chống tiến công giả mạo email, công cụ kiểm tra lộ, lọt thông tin cá nhân...

Ngoài ra, với chức năng thiết lập mạng lưới giám sát an toàn thông tin mạng trên toàn quốc, Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng Quốc gia đã và đang phối hợp đơn vị chức năng hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp và người dùng cá nhân trong việc bảo đảm an toàn thông tin trong mọi thời điểm. Qua hệ thống này, mọi thông tin giám sát, phân tích sẽ được chia sẻ, cảnh báo sớm cho các bộ, ngành, địa phương phục vụ công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho chính phủ điện tử.