Tìm hướng xử lý rác thải nhựa

Vấn đề xử lý rác thải nhựa tạo ra thách thức lớn không chỉ đối với riêng cá nhân hay tổ chức nào, mà là vấn đề của toàn xã hội. TP Hà Nội đang nỗ lực cùng cả nước chung tay chống rác thải nhựa để bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhiều siêu thị đã sử dụng các loại túi đựng có chất liệu thân thiện với môi trường.
Hiện nay, nhiều siêu thị đã sử dụng các loại túi đựng có chất liệu thân thiện với môi trường.

1/ Theo báo cáo của Tổng cục Môi trường, các bao bì nylon đang sử dụng ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới thường được làm từ nhựa polyetylen, là một loại nhựa nhiệt dẻo. Ước tính, các đô thị mỗi ngày thải ra khoảng từ 11 - 53 tấn rác thải nhựa, nylon. Tỷ lệ chất thải nhựa ở những bãi chôn lấp chất thải rắn ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh dao động từ 8,35 - 15%, trong đó có 78% chất thải nhựa là túi nylon. Đáng lo ngại, loại chất dẻo này có đặc tính khó phân hủy. Một chiếc túi nylon chỉ mất năm giây để sản xuất, song để phân hủy thì cần từ 500 - 1.000 năm. Đáng nói là, gần một phần ba số túi nylon mà con người sử dụng không được thu gom và xử lý. Điều đó được ví như thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Việt Nam được nhận định là một trong năm quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Nhiều ý kiến cho rằng, sự tích tụ của các mảnh rác trong môi trường là vấn đề do con người tạo ra, vì vậy đòi hỏi một giải pháp đến từ con người. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của các cơ quan chức năng, khối lượng sử dụng túi nylon khó phân hủy không những không giảm mà còn tăng theo cấp số nhân. Thói quen của người dân dùng túi nylon, đồ dùng nhựa một lần ngày càng gia tăng. Đáng lo ngại, người dân vẫn chưa có thói quen phân loại rác sinh hoạt hằng ngày.

Theo Sở Công thương Hà Nội, mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh 5.500 - 6.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó, rác thải nhựa chiếm 8 - 10% và việc thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý số rác thải khổng lồ này là bài toán không dễ giải. Bên cạnh đó, việc chuyển từ sử dụng túi nylon khó phân hủy sang túi nylon thân thiện môi trường còn khó khăn do chênh lệch giá thành lớn. Sử dụng túi nylon thân thiện môi trường sẽ khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Đây là lý do dẫn đến việc tuyên truyền sử dụng sản phẩm túi nylon thân thiện môi trường lâu nay chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. 

2/ GS, TS Đặng Kim Chi, Viện Khoa học Công nghệ Môi trường (Trường đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc tìm hướng xử lý rác túi nylon, khuyến cáo và có chế tài với việc sử dụng túi nylon là rất cần thiết. Nếu không có biện pháp kiểm soát việc sử dụng và thải bỏ túi nylon thì không bao lâu nữa, rác thải từ túi nylon sẽ là mối đe dọa đối với không gian sống của con người. Do vậy, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa (đặc biệt là các loại túi nylon), áp dụng các biện pháp công nghệ, kỹ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa.

Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản xuất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm. Từng bước hạn chế hay cấm sử dụng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre… 

Hiện nay, trên thế giới đã xuất hiện một số công nghệ chế tạo vật liệu nhựa có khả năng phân hủy thay thế sản phẩm nhựa truyền thống mà Việt Nam có thể tham khảo. Cụ thể là sử dụng enzim có khả năng “ăn” nhựa của các nhà khoa học tại Đại học Portsmouth (Anh). Theo đó, họ đã nghiên cứu sử dụng enzim làm tác nhân phân hủy nhựa PE, PP… Còn Trường đại học Stanford (Mỹ) đã phát hiện ra sâu bột (ấu trùng của bọ cánh cứng Tenebrio molitor) có thể sống bằng cách ăn xốp cách nhiệt và một số loại nhựa khác, có khả năng phân hủy nhựa polyetylen.

Với mục tiêu xây dựng Thủ đô hướng tới phát triển bền vững, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, phát triển kinh tế, trong đó chú trọng việc bảo vệ môi trường, TP Hà Nội cam kết thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh quốc gia. Để thực hiện cam kết này, thành phố đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm, trong đó nhấn mạnh giảm dần nguyên liệu nhựa trong sản xuất; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng một  lần và túi nylon khó phân hủy. Đặc biệt, đến ngày 31-12-2020, 100% trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nylon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại chợ bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.