Thời điểm vàng kích cầu du lịch nội địa

Chờ đợi một sự bùng nổ của du lịch nội địa trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam cơ bản được kiểm soát và ngành du lịch đang quyết tâm xây dựng giải pháp, tìm cơ hội phục hồi sau dịch là mong muốn chung của các diễn giả tại buổi thảo luận với chủ đề “Kích cầu du lịch nội địa - Giải pháp và hành động trong thời điểm vàng”, vừa diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa.

Thời điểm vàng kích cầu du lịch nội địa

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ thời điểm tháng 3 khi Việt Nam chính thức hạn chế các đường bay quốc tế, lượng khách du lịch đã giảm 18,1% so cùng kỳ năm 2019. “Việc tạm ngừng các hoạt động du lịch không chỉ tác động nặng nề tới người lao động trong ngành du lịch mà còn ở tất cả các ngành. Trước bối cảnh đất nước dần trở lại bình thường, đây là thời điểm vàng để “phá băng”, ông Khánh nhìn nhận.

Đại diện Tập đoàn Google phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Covid-19 đã khiến nhu cầu du lịch đến các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 8,6% so năm ngoái. Tuy nhiên, khảo sát của Google cho thấy, Việt Nam bắt đầu có sự phục hồi về nhu cầu du lịch từ giữa tháng 4 đến nay, khi giãn cách xã hội được nới lỏng. Phân tích của đơn vị này cũng cho thấy, tìm kiếm liên quan chuyến bay nội địa chiếm 85% trong 30 ngày vừa qua và tăng 85% trong thời gian cùng kỳ. Các điểm đến được nhiều người tìm kiếm nhất trong 30 ngày qua lần lượt là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Huế, Quy Nhơn... Đặc biệt, trong sáu tuần gần đây, lượng tìm kiếm liên quan tới du lịch biển đảo ở Việt Nam tăng gấp đôi.

Để chung tay kích cầu du lịch, buổi phát động chương trình “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” cũng được các bên là doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận tải, nhà hàng cùng cam kết xây dựng các chương trình kích cầu khuyến mại, cung cấp thông tin về dịch vụ giá cả, đồng thời xây dựng sản phẩm du lịch mới. “Kích cầu du lịch nội địa là yếu tố quan trọng. Thị trường du lịch nội địa có thể tăng 95% trong những tháng cuối năm do những người Việt năm nay không thể đi nước ngoài sẽ chọn du lịch trong nước, nên đây là cơ hội lớn. Các công ty cần ưu tiên đưa ra các gói sản phẩm linh động, sáng tạo”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB) phân tích.

Đồng quan điểm với ông Kiên, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC nhận định thời gian tới, người Việt sẽ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn. “Điều tôi mong muốn là những người làm du lịch hãy tuân thủ quy định, không “chặt chém”, luôn lịch sự, niềm nở thì du lịch chắc chắn sẽ tăng trưởng”.

Số liệu khảo sát nhu cầu khách du lịch nội địa hậu Covid-19 được công bố cho thấy, 31,9% số người trả lời cho biết, sẽ đi du lịch trong năm 2020, 29,3% có ý định lên đường vào mùa hè này, 24,8% đi du lịch trong tháng tới và 14,1% chưa có dự định. Lý do để du khách đi du lịch là dịch vụ và điểm đến an ninh và an toàn. Một số quyết định lên đường bởi có các chương trình ưu đãi, không phải trả phí phạt khi thay đổi, hủy tour, còn 7% người tham gia khảo sát chưa quyết định đi du lịch vào thời điểm này. Về hình thức khuyến mãi, 87,4% du khách muốn các doanh nghiệp ưu đãi trực tiếp vào giá dịch vụ; 9,9% muốn nhận thêm các sản phẩm, dịch vụ trên giá gốc và chỉ 2,7% lựa chọn ưu đãi cho lần kế tiếp. Những trải nghiệm du khách ưu tiên nhất lần lượt là nghỉ dưỡng, khám phá ẩm thực, vui chơi giải trí, hoạt động thể thao, mua sắm.