Tạo dựng hành lang xanh

Bên cạnh những yếu tố tích cực, tốc độ đô thị hóa nhanh còn gây không ít hệ lụy như áp lực dân số, giao thông, môi trường… Trong đó, đáng lo ngại khi diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nơi được coi là hành lang xanh của đô thị, ngày càng bị thu hẹp.

Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến những mảng xanh từ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.
Tốc độ đô thị hóa nhanh khiến những mảng xanh từ đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp.

Hệ lụy của đô thị hóa

Trong những năm qua, nhiều khu vực ven đô Hà Nội chịu ảnh hưởng mạnh của quá trình đô thị hóa. Quá trình xây dựng và mở rộng không gian đòi hỏi chiếm dụng một phần diện tích đất nông nghiệp khá lớn tại các huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh… Nếu như năm 2000, diện tích đất nông nghiệp của thành phố là 40.152 ha, thì đến năm 2007 giảm còn 37.857 ha. Diện tích đất lâm nghiệp cũng giảm đáng kể từ 6.333 ha năm 2000 xuống còn 4.804 ha vào năm 2007. Điều dễ nhận thấy, diện tích đất nông nghiệp giảm đã làm một bộ phận lao động mất đất sản xuất, thiếu việc làm, gia tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Vấn đề vệ sinh môi trường đô thị cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước… Đây là các yếu tố đe dọa sự phát triển bền vững của đô thị.

Việc chuyển đổi đất nông nghiệp khiến cả một khu vực sinh cảnh bị thay đổi, diện tích cây xanh, mặt nước thu hẹp do các hoạt động xây dựng và phát triển. Tại Thường Tín, Hoài Đức, Thanh Trì…, tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tưới bằng nguồn nước ô nhiễm khá phổ biến. Các làng nghề xen kẽ trong khu dân cư cũng là nguyên nhân ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Điều này khiến quá trình phát triển, mở rộng, tạo lập các đô thị vệ tinh đang đứng trước nguy cơ “vỡ quy hoạch” do việc phát triển thái quá, cấp phép tràn lan.

Theo các nhà quy hoạch, việc phát triển những đô thị vệ tinh sẽ giúp giảm áp lực lên hạ tầng đô thị trung tâm. Từ đây, những khu đô thị sinh thái sẽ hình thành, tạo nên các vành đai nông nghiệp, vùng canh tác nông nghiệp hoặc một số làng xóm, nhà vườn gắn kết với hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh… Thế nhưng, thực tế đang diễn ra là một chuỗi các đô thị tự nhiên hình thành theo tất cả các hướng nằm ngoài dự kiến của các nhà quy hoạch.

Đã có nhiều cảnh báo nguy cơ không thực hiện được vành đai xanh như mong muốn, bởi bị mắc kẹt giữa các kế hoạch phát triển manh mún. Đến nay, những dự án vành đai xanh vẫn chỉ là một mầu xanh trên bản vẽ quy hoạch. Kết quả là đô thị hạt nhân và các đô thị chung quanh chỉ là những vùng xen kẽ, nhỏ lẻ nên khó có khả năng kết dính với nhau.

Cần bước đột phá

Theo các chuyên gia, phát triển nông nghiệp đô thị được xem như một hướng đi có tính khả thi cao để giải quyết những bất cập liên quan tiến trình đô thị hóa. Đồng thời, xây dựng mô hình nông nghiệp hiện đại góp phần hình thành và phát triển vành đai xanh, hành lang xanh, hướng tới xây dựng đô thị sinh thái bền vững. 

KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, nông nghiệp đô thị đóng vai trò quan trọng trong phát triển đô thị của các quốc gia. Đây không chỉ là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm tại chỗ cho các đô thị, góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận dân cư đô thị, mà còn góp phần quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo dựng cảnh quan đô thị.

Tại Hà Nội, từ năm 2011, trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã xác định xây dựng TP Hà Nội theo hướng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Vành đai xanh được quy hoạch chiếm tỷ trọng lớn trong tổng diện tích tự nhiên toàn thành phố, gồm đất nông nghiệp, lâm nghiệp, sông, hồ, ao, không gian mở ven mặt nước và các công viên trong đô thị. Điều đó cho thấy, trong chiến lược phát triển Thủ đô, lĩnh vực nông nghiệp rất được quan tâm phát triển.

Trên thực tế, các quy hoạch, kế hoạch phát triển ở Hà Nội thời gian qua đều có những nội dung, tiêu chí cơ bản của phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, giá trị cao, kinh tế xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, các nội dung đó về cơ bản mới chỉ có tính chất thí điểm ở những vùng nông nghiệp chuyên canh đặc thù, chưa có bước đột phá, phát triển trên diện rộng. Vì vậy, nông nghiệp ven đô chưa được rõ nét, làm giảm vai trò của những vành đai xanh.

Hiện nay, thách thức lớn nhất là giá trị kinh tế của đất đai ở vùng ven đang gia tăng nhanh, rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư phi nông nghiệp và bất động sản. Chẳng hạn, từ đầu những năm 2000, có những xã của Hà Nội sau khi trở thành phường, đất đai đã được chuyển từ trồng lúa sang trồng rau, rồi trồng hoa sang cho thuê đất. Cuối cùng là đất nông nghiệp bị bỏ hoang, đợi ngày được chuyển đổi mục đích sử dụng hoặc được đền bù bởi các dự án đô thị mới hay nhà ở thương mại. 

Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu trở nên rất thất thường. Thế nhưng, dường như những vành đai xanh liên kết các vùng đô thị đang rất mong manh. Bởi lẽ, quá trình chuyển đổi những thửa ruộng manh mún, cằn cỗi thành những tổ hợp sản xuất quy mô hiện đại thường khó khăn, phức tạp hơn nhiều so quy trình lập dự án xây chung cư cao tầng để bán.