Tạo đột phá từ chính quyền đô thị

Ba thành phố lớn ở ba miền sẽ xây dựng chính quyền đô thị (CQĐT) nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, giải quyết nhanh chóng các vấn đề của người dân. Dù thời gian thông qua khác nhau, song Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh sẽ cùng bắt đầu xây dựng CQĐT từ ngày 1-7-2021.

Cần tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.
Cần tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả.

1/ Ngày 16-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết xây dựng CQĐT ở TP Hồ Chí Minh. Trước đó, tháng 11-2019 và tháng 6-2020, Quốc hội cũng đã lần lượt thông qua hai nghị quyết thí điểm CQĐT tại TP Hà Nội và TP Đà Nẵng. Nếu Hà Nội và Đà Nẵng thực hiện thí điểm, TP Hồ Chí Minh được xây dựng ngay mô hình CQĐT không qua thí điểm. Lý do của việc này chủ yếu do trước đây chưa đủ cơ sở pháp lý nên phải thí điểm, còn đến nay quy định hiện hành đã cho phép. Hơn nữa, trước đây TP Hồ Chí Minh đã có hơn sáu năm thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) huyện, quận, phường trên toàn địa bàn và cho thấy nhiều kết quả tích cực, như tinh gọn bộ máy, giảm tầng nấc trung gian, tiết kiệm ngân sách... Đây cũng là nguyên nhân giúp thành phố không cần thí điểm.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, mô hình CQĐT ở cả ba thành phố có điểm chung là tinh gọn bộ máy, không tổ chức HĐND một số cấp nhằm mục đích tổ chức chính quyền địa phương phù hợp đặc điểm của đô thị. Tuy nhiên, dù đều là CQĐT, song ba mô hình ở ba thành phố lại có những điểm khác nhau. Cụ thể, Hà Nội chỉ bỏ HĐND phường (các phường thuộc khu vực đô thị quận, thị xã); còn tại Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh bỏ cả HĐND ở phường và quận. Trong khi Hà Nội sẽ xây dựng mô hình chính quyền hai cấp đô thị (thành phố, quận), thì TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là chính quyền địa phương một cấp (thành phố). “Đây chính là khác biệt đáng kể nhất của mô hình CQĐT ở ba thành phố. Khi bỏ HĐND ở cấp khác nhau, thẩm quyền của UBND các cấp của mỗi thành phố sẽ khác nhau”, ông Tuấn nói.

2/ Hiện nay, kết cấu hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội ở các khu vực đô thị lớn trong cả nước tương đối ổn định, song chưa tương xứng sự phát triển của xã hội, thiếu đồng bộ, chưa có sự khớp nối giữa các vùng, địa phương. Các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống người dân có sự đan xen giữa những yếu tố đô thị - nông thôn và ngày càng chuyển dịch theo hướng đô thị hóa. Trong khi vấn đề quản lý quy hoạch đô thị còn nhiều hạn chế, công tác lập quy hoạch, phát triển đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển, tính bền vững chưa cao, chưa phản ánh rõ nét các bản sắc văn hóa của từng khu vực.

Cùng với đó, mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị. Thực tế, cơ cấu bộ máy tổ chức còn nhiều khâu, tầng nấc trung gian, chưa tinh gọn, hiệu quả theo tinh thần cải cách hành chính. Trong khi về thực chất, HĐND các cấp ở nhiều nơi chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn mà chủ yếu do HĐND thành phố quyết định. Do đó, cấp phường, thị xã nhiều khi chưa thật sự phát huy được hiệu quả, thậm chí còn tạo nên một bộ máy cồng kềnh, làm chậm quá trình tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gây lãng phí nguồn lực. 

3/ Trong những góp ý dự thảo nghị quyết, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất nếu không tổ chức HĐND cấp phường, quận thì HĐND thành phố cũng phải thay đổi về tổ chức. Theo đó, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, trong mô hình mới, HĐND thành phố phải bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn từ HĐND quận, phường chuyển sang. Đáng lưu tâm, trong quá trình lấy ý kiến có một số vấn đề rất được chú trọng như việc giám sát của HĐND đối với chính quyền tại cơ sở, quyền làm chủ của người dân, quyền đại diện của nhân dân. Do đó, HĐND thành phố cần có giải pháp để giải quyết, đáp ứng được những nguyện vọng này.

Một số giải pháp có thể nghiên cứu khác là tăng số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố, qua đó có thể đảm đương được khối lượng lớn công việc; tăng số lượng và nâng cao chất lượng số cuộc giám sát của các tổ đại biểu HĐND tại cơ sở; phân định và phát huy hoạt động giám sát của tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp để tăng lĩnh vực, đối tượng và hiệu quả giám sát cùng với HĐND thành phố… Đối với quyền đại diện của nhân dân, cần phải nhấn mạnh cho nhân dân biết còn rất nhiều kênh đại diện cho tiếng nói của mình như đoàn đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu HĐND thành phố tại địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ dân phố… Đối với quyền làm chủ của nhân dân, nhất thiết phải tăng dân chủ trực tiếp, lắng nghe ý kiến của người dân trong các chủ trương, chính sách lớn của thành phố. Đặc biệt, UBND các cấp phải tổ chức công khai, minh bạch tối đa các vấn đề liên quan dân sinh; ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân một cách nhanh nhất, giúp người dân có thể giám sát, đóng góp ý kiến xây dựng chính quyền ngày một tốt hơn.