Tăng cường xử lý dự án chậm triển khai

Thực hiện chỉ đạo kiểm tra, xử lý về việc các dự án “treo”, bỏ hoang ở nhiều quận, huyện, TP Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp mạnh tay đối với những dự án này. Thực tế, ngoài việc đất bị bỏ hoang, tại một số dự án cũng xuất hiện tình trạng chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, dẫn đến nhiều tranh chấp, gây mất trật tự, văn minh đô thị.

Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đến nay vẫn chưa được triển khai sau nhiều năm.
Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đến nay vẫn chưa được triển khai sau nhiều năm.

Hàng chục năm vẫn “bất động”

Những năm qua, bên cạnh nhiều dự án công trình trọng điểm của thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho thành phố, vẫn còn nhiều dự án đang trong tình trạng trì trệ, chậm tiến độ hoặc đội vốn, đứng trước nguy cơ khó hoàn thành. Điển hình là dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) do Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng Licogi làm chủ đầu tư. Dự án được giao đất từ năm 2004 nhưng tới nay vẫn chưa triển khai. Tương tự, tại dự án khu nhà ở do Công ty CP Đầu tư bất động sản Thuận Thành làm chủ đầu tư, đến nay vẫn là bãi đất trống.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT) cũng quyết định chấm dứt hoạt động của dự án khu nhà ở để bán tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) do Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Việt Nam làm chủ đầu tư. Được biết, trước đó UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 756/QĐ-UBND ngày 8-2-2010 và Quyết định số 6464/QĐ-UBND ngày 29-12-2010 thu hồi 6.733 m² đất giao công ty này thực hiện dự án. Thời điểm đó, đơn vị đã nhận bàn giao mốc giới trên thực địa để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, dự án chưa khởi công xây dựng, chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, thực trạng khu đất của dự án đã thay đổi.

Tình trạng quy hoạch treo, dự án treo diễn ra ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng quyền lợi, cuộc sống của người dân trong vùng quy hoạch. Chẳng hạn, người dân muốn đầu tư xây dựng, muốn làm nhà, sửa chữa nhà cửa, đầu tư sản xuất thì không thể làm được vì vướng quy hoạch. Nhưng muốn chuyển đi nơi khác thì Nhà nước không có tiền để bồi thường giải phóng mặt bằng vì chưa thực hiện các dự án đầu tư ở đây. Từ đó làm lãng phí nguồn lực, giảm hiệu quả sử dụng đất đai và hiệu quả đầu tư xây dựng, gây bức xúc trong xã hội.

Xử phạt các đơn vị chây ỳ

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) cho biết, thực hiện chỉ đạo của HĐND, UBND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn, Sở đã phối hợp các sở, ban, ngành triển khai đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với 379 dự án và có kết luận, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý đối với từng dự án theo quy định. Trong đó, kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn. Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, đối với 25 dự án với tổng diện tích 39 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng…

Luật sư Bùi Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các khâu trong quá trình triển khai dự án cần được thực hiện chặt chẽ, đặc biệt là lựa chọn nhà đầu tư. Sau đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát, theo dõi tiến độ của dự án để kịp thời nắm bắt hiện trạng, nếu có dấu hiệu chây ỳ thì áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào. 

Việc các dự án thi công chậm tiến độ không chỉ khiến cuộc sống của người dân khó khăn, giao thông ách tắc mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển các ngành nghề khác. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai một số biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn lớn, nhưng xem ra sự chuyển động vẫn còn khá chậm chạp.