Siết chất lượng trường mầm non tư thục

Sau nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non trên địa bàn trong thời gian gần đây, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh cho biết sẽ truy đến cùng trách nhiệm các cá nhân, đơn vị liên quan. Thành phố đã đưa ra nhóm giải pháp siết lại chất lượng giáo dục mầm non (GDMN) ngoài công lập.

Các trường mẫu giáo, mầm non tư thục sẽ được thanh tra, kiểm tra sát sao hơn.
Các trường mẫu giáo, mầm non tư thục sẽ được thanh tra, kiểm tra sát sao hơn.

Kiên quyết đóng cửa các cơ sở có sai phạm

Về các vụ bạo hành trẻ gần đây, bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chỉ đạo: Bằng mọi cách phải đưa các vụ bạo hành ra ánh sáng với khung hình phạt cao nhất để tăng tính răn đe. Với các cơ sở giữ trẻ không phép hoặc có sai phạm, cần xử lý nghiêm, rút giấy phép, yêu cầu đóng cửa. Các bên liên quan cần làm rõ các yếu tố nghi có tay trong, bảo kê ở những địa bàn đông dân cư. Bà Thu cũng yêu cầu ngành Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) thành phố sớm đưa ra phương án từ khuyến khích, dần đi đến yêu cầu các trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục gắn camera quan sát nhằm bảo đảm cao nhất mức độ an toàn cho trẻ.

TP Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch tổng thanh, kiểm tra, rà soát chất lượng toàn diện tại 100% trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục tại 24 quận, huyện. Quá trình kiểm tra này sẽ được tiến hành đột xuất và kéo dài đến hết tháng 1-2018. Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong đã thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại trong việc quản lý chất lượng của các cơ sở GDMN ngoài công lập trên địa bàn trong thời gian qua. Ông Phong cho biết: “Thành phố sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu phường/xã, quận/huyện nếu trường mầm non tư thục trên địa bàn hoạt động không phép hoặc thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, ngược đãi, hành hạ trẻ em”.

Tại quận 12, nơi vừa xảy ra vụ việc đau lòng ở Trường Mầm Xanh, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng chỉ đạo phòng GD&ĐT quận phối hợp lãnh đạo 11 phường thanh, kiểm tra 257 trường mầm non, nhóm lớp tư thục độc lập tư thục trên địa bàn. Công tác rà soát, xử lý và hỗ trợ chuyên môn cho các nhóm trẻ gia đình cũng được triển khai trong thời điểm này. Bên cạnh đó, chính quyền còn khẩn trương bố trí chỗ học, đưa các bé thuộc nhóm bị bạo hành tại lớp mẫu giáo Mầm Xanh đi thăm khám, kiểm tra tình trạng thương tật và điều trị tâm lý nếu gia đình có yêu cầu…

Cùng lúc nhiều giải pháp

TP Hồ Chí Minh có tổng cộng 1.208 trường mầm non, trong đó tỷ lệ trường ngoài công lập chiếm gần 62%. Việc xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở GDMN tư thục đã giảm tải cho hệ thống trường công vì đáp ứng được nhiều tiêu chí của phụ huynh là lao động nhập cư hay công nhân. Tuy nhiên, việc cấp phép khá đơn giản cộng với khâu quản lý, thanh kiểm tra chưa sát sao khiến chất lượng tại nhiều cơ sở GDMN ngoài công lập ngày càng đi xuống. Tình trạng dọa nạt, bạo hành trẻ chủ yếu xảy ra tại những cơ sở yếu cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ chuyên môn. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên trường mầm non, TP Hồ Chí Minh sẽ đặc biệt quan tâm đến việc thiết lập kênh giám sát nhân dân. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, nếu thực hiện tốt việc này, việc phát hiện các vụ bạo hành trẻ mầm non tại các cơ sở GDMN tư thục sẽ nhanh chóng, chính xác hơn vì không có gì qua được tai mắt người dân.

Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, vấn đề này chắc chắn sẽ có nhiều đổi mới theo hướng quyết liệt hơn. Không chỉ thanh, kiểm tra toàn bộ hệ thống GDMN tư thục, thời gian tới, chính quyền quận 12 sẽ công khai thông tin toàn diện về các trường mầm non, nhóm lớp độc lập tư thục. Trường nào tốt, trường nào có hạn chế gì, trang thông tin của quận sẽ cung cấp đầy đủ, khách quan để phụ huynh tiện theo dõi. “Các trường cũng nên lắp camera để minh bạch công tác quản lý, giúp cơ quan quản lý, người dân và phụ huynh giám sát tốt hơn. Nếu không bắt buộc có thể coi đây là mức chuẩn để đánh giá, xếp loại các trường tư thục”, ông Hiếu đề xuất.

Đứng ở góc độ pháp lý, theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, bên cạnh xử lý mạnh tay các vụ bạo hành trẻ mầm non để tăng tính răn đe, các đơn vị liên quan cũng cần quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, kiến thức pháp luật và đạo đức nghề nghiệp cho các giáo viên, bảo mẫu. Khi hiểu rõ về luật pháp và quyền trẻ em, chắc chắn các cô sẽ có những cư xử chừng mực, đúng đắn hơn với học trò.