Phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy

Từ năm 2018 đến 2020, cả nước đã xảy ra 10.930 vụ cháy, làm chết 235 người, bị thương 508 người, gây thiệt hại về tài sản ước tính gần 5.000 tỷ đồng và khoảng 20.901 ha rừng. Nhu cầu sử dụng năng lượng (chủ yếu điện năng) phục vụ sản xuất và sinh hoạt tăng cao kéo theo nguy cơ mất an toàn về cháy nổ càng lớn, nhất là trong thời điểm hè. Vì vậy, đẩy mạnh phổ biến kiến thức phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát nạn cho người dân là một trong những biện pháp cần làm luôn và ngay.

Huấn luyện những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cư dân khu chung cư T&T Riverview. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Huấn luyện những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho cư dân khu chung cư T&T Riverview. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), nguyên nhân của các vụ cháy, nổ trong thời gian qua bên cạnh nguyên nhân khách quan thì vẫn còn các nguyên nhân chủ quan khác. Mặc dù số lượng vụ cháy lớn chỉ chiếm hơn 1%, nhưng thiệt hại về người và tài sản rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tình hình an ninh - trật tự an toàn xã hội, gây tổn thất lớn về kinh tế và môi trường. 

Theo thống kê, cháy lớn chủ yếu xảy ra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh mặt hàng dễ cháy như cơ sở sản xuất, chế biến gỗ; cơ sở da giày, dệt may; kho bãi hàng hóa, vật tư; cơ sở sản xuất bao bì, mút xốp; chợ; cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất… Ngoài ra, các vụ cháy lớn xảy ra thường cách xa trụ sở đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH quản lý (25 vụ), nên lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH thường mất nhiều thời gian để di chuyển trên đường, dẫn đến đám cháy phát triển tự do gây cháy lan, cháy lớn. Tính đến thời điểm hiện nay, cơ quan điều tra đã làm rõ nguyên nhân của 96/118 vụ cháy lớn. Trong đó, chủ yếu do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm tới 65,2%; sự cố kỹ thuật thiết bị, máy móc chiếm 4,2%; bất cẩn trong hàn cắt chiếm 2,5%; tự cháy chiếm 1,7%; vi phạm quy định về PCCC trong sử dụng điện chiếm 1,7%, do đốt chiếm 0,85%. Ngoài ra, còn 22 vụ chưa rõ nguyên nhân đang được cơ quan chức năng tích cực điều tra.

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng và một số giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2021 - 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, Bộ Công an đã phát động đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hướng dẫn về huy động, phương tiện, tài sản để xử lý các tình huống cháy; sự cố, tai nạn có quy mô vượt quá khả năng ứng phó của lực lượng, phương tiện thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, từ ngày 15-4 đến 15-10, các đoàn liên ngành sẽ được thành lập gồm PCCC và CNCH, cảnh sát khu vực, đại diện UBND cấp xã, đơn vị quản lý trật tự xây dựng đô thị, điện lực tổ chức kiểm tra, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, đoàn liên ngành sẽ tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng phương tiện chữa cháy đến từng hộ dân. Nội dung tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, thiết thực, có clip minh họa, tập trung vào các kiến thức an toàn trong sử dụng điện, gas, hóa chất, các giải pháp thoát hiểm, thoát nạn. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra định kỳ và đột xuất về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC tại các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về PCCC theo quy định.