Nỗi niềm Thanh Đa - Bình Quới

Hơn 20 năm qua, người dân ở bán đảo Thanh Đa - Bình Quới (phường 27 và 28, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) phải sống trong cảnh tạm bợ. Họ chờ đợi được chuyển đến nơi khác sinh sống vì nơi đây nằm trong diện quy hoạch. Nhưng từng đó thời gian mà cả bán đảo vẫn nằm trong quy hoạch “treo”.

Khi triều cường, bán đảo Thanh Đa thấp hơn mặt nước sông Sài Gòn.
Khi triều cường, bán đảo Thanh Đa thấp hơn mặt nước sông Sài Gòn.

Những dự định dở dang

Bán đảo Thanh Đa - Bình Quới được vây quanh bởi sông Sài Gòn và kênh đào Thanh Đa. Một phần diện tích của phường 27 và toàn bộ diện tích phường 28 nằm trong quy hoạch dự án phát triển đô thị từ năm 1992. Qua nhiều lần thay đổi dự án, thay đổi chủ đầu tư, đến nay bán đảo Thanh Đa vẫn nằm trong quy hoạch “treo”. Sống giữa lòng thành phố, người dân nơi đây vẫn làm nghề trồng lúa, nuôi vịt, nuôi bò… như một vùng nông thôn. Tuy nhiên, khác với các khu vực nông thôn, người dân có thể làm lại căn nhà, người dân Thanh Đa chẳng thể làm gì trên mảnh đất của mình. Suốt quãng thời gian dài, họ chỉ biết đến những dự định.

Ngụ tại căn nhà 488/65/20 đường Bình Quới, ông Huỳnh Văn Hiện, cho biết: “Nhà dột nát lắm. Đi thì chưa được đi, mà ở thì không được sửa. Chịu hết nổi rồi”. Không riêng gia đình ông Hiện, nhiều hộ dân ở đây sống trong cảnh quy hoạch “treo” nên bán đất không ai mua, xây cất nhà cũng chẳng được. Nhiều nhà có con cái ở riêng, muốn chia đất cho con để làm vốn nhưng nhà, đất đều nằm trong diện quy hoạch giải tỏa, đành chịu. Bán tạp hóa bên lề đường, ông Lê Văn Năm, ngụ số nhà 1096 cho biết: “Thỉnh thoảng có đoàn về đây ngắm đường, đo đường… Thấy thì mừng, cũng nói với mọi người trong xóm cùng mừng. Nhưng rồi mãi cũng chẳng thấy chuyển biến”.

Theo lời chị Nguyễn Thị Thanh, bán rau chợ Bình Quới: “Hai năm trước, chúng tôi đi họp thấy thông báo có dự án Silicon Valley Bình Quới do Tập đoàn Bitexco đầu tư. Lúc đó, ai cũng nghĩ vậy là sắp chuyển đi. Tôi đã tìm lên Lái Thiêu, Bình Dương tìm đất, tìm nhà, dự định được đền bù thì chuyển về trển. Vậy mà giờ đây nhà cửa xuống cấp, vẫn sống trong cảnh mưa ngập, triều cường…”.

Làm nông và… chờ đợi

Bán đảo Thanh Đa - Bình Quới chung quanh là sông. Bên kia sông là nhà cao tầng, phố xá khang trang, bên này vẫn những ao, đìa, vườn, ruộng với nhà cửa lụp xụp. Anh Tạ Văn Liên, ngụ khu phố 4, phường 28, ngán ngẩm: “Tôi có ba sào ruộng nước, một mảnh vườn. Tính ra, tôi có nhiều đất đô thị đấy. Nhưng mà không biết đến bao giờ cuộc sống nhà nông mới đỡ vất vả”. Theo tìm hiểu từ người dân, ruộng lúa không năng suất. Để chuyển từ lúa sang cây ăn trái lại vấp phải nỗi lo không biết có được thu hoạch không khi dự án triển khai, đất bị lấy, mất công trồng trọt.

Hơn 20 năm qua, nhiều lần dự án Thanh Đa - Bình Quới được duyệt nhưng đều rơi vào bế tắc. Năm 1992, UBND thành phố phê duyệt Khu đô thị Thanh Đa. Năm 2004, dự án được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, đến năm 2010 bị thu hồi. Năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (Dubai) ký kết hợp đồng thuê đất 50 năm. Thanh Đa - Bình Quới được “vẽ” ra là khu nghỉ dưỡng, văn hóa, giải trí, văn phòng thu hút các công ty khởi nghiệp với tên gọi “Silicon Valley”. Nhưng kể từ đó đến nay, dự án này vẫn “án binh bất động”.

Hiện tại, hơn 3.000 hộ dân với 45.000 nhân khẩu ở bán đảo Thanh Đa vẫn sống với nghề nông, buôn bán nhỏ và… chờ đợi. Hơn 20 năm quy hoạch “treo”, bán đảo Thanh Đa - Bình Quới trở về vạch xuất phát ban đầu. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi cũng nhắc nhở các sở, ngành liên quan cần đặt mình trong tình cảnh người dân ở đây thì mới hiểu được nỗi khổ của họ để giải quyết vấn đề này nhanh hơn. Việc tìm được nhà đầu tư hay không cũng phải giải quyết dứt điểm, không thể để tình trạng này kéo dài”.