Nỗi niềm du lịch Tết

Những năm gần đây, nhiều gia đình có xu hướng nghỉ Tết bằng các chuyến du lịch nghỉ dưỡng ngắn ngày. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 vẫn căng thẳng như hiện nay, họ đành hủy kế hoạch và ở nhà đón năm mới.

Doanh nghiệp du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: LAM GIANG
Doanh nghiệp du lịch tiếp tục gặp nhiều khó khăn trước ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: LAM GIANG

An toàn là trên hết

Việc các ca bệnh Covid-19 tại Quảng Ninh, Hải Dương và một số tỉnh, thành phố ở phía bắc được công bố đã khiến các công ty du lịch đứng ngồi không yên, khi liên tục tiếp nhận thông tin hủy tour, hủy dịch vụ từ khách hàng. Đáng tiếc nhất là các tour vùng Tây Bắc và Đông Bắc trong dịp Tết Tân Sửu 2021 đều đã bán hết vé, song lại là vùng dịch bệnh ảnh hưởng nhiều nhất. Hơn một năm qua, các doanh nghiệp du lịch luôn trong tình trạng “lấy lỗ làm lãi” do ảnh hưởng của Covid-19, nay lại phải hứng chịu thêm đợt dịch mới khiến phần lớn rơi vào cùng cực. 

Có kế hoạch đưa gia đình đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ chơi Tết thay vì ở nhà, anh Nguyễn Văn Thành ở Linh Đàm (quận Hoàng Mai) đã đặt tour trọn gói cho cả gia đình cách đây hơn hai tháng. Theo kế hoạch, cả nhà sẽ bay vào Cần Thơ từ chiều 29 Tết và ngày mồng 4 sẽ về lại Hà Nội, nghỉ ngơi để mồng 6 đi làm. Thế nhưng đến thời điểm này, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chính quyền địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi lại dịp Tết. Vì thế, để bảo đảm an toàn cho cả gia đình, anh Thành đã quyết định hủy chuyến du lịch này.

“Những năm gần đây, gia đình tôi thường tổ chức đi chơi vào dịp Tết, như một cách xả stress sau một năm làm việc và học tập mệt mỏi. Năm nay, do tình hình dịch bệnh khá căng thẳng nên chúng tôi đắn đo mãi mới quyết định. Dù có hơi buồn nhưng an toàn cho cả nhà là trên hết, nên vợ chồng tôi quyết định hủy tour, rời lịch sang dịp khác để ở nhà đón năm mới”, anh Thành chia sẻ.

Đành chuyển lịch đi chơi Đà Nẵng vào dịp khác, vợ chồng chị Hà Thanh Xuân (quận Tây Hồ, Hà Nội) năm nay quyết sẽ ở nhà dạy con gái làm quen với việc nấu nướng. Mặc dù thời điểm này Đà Nẵng khá an toàn, nhưng vì lo xa, chị vẫn quyết định hoãn chuyến du xuân cận kề này. “Tôi thấy đợt dịch này căng thẳng hơn trước vì virus biến chủng, tốc độ lây lan nhanh. Du lịch thì có thể chờ, không đi dịp này sẽ đi dịp khác. Còn nếu đi rồi nhỡ chẳng may gặp dịch bệnh thì mình không biết phải làm sao”, chị nói.

Lo ngại những khó khăn mới

Cuối năm 2020, khi dịch bệnh phần nào được kiểm soát, nhiều doanh nghiệp du lịch kỳ vọng dịp Tết sẽ là thời điểm tốt nhất để vực lại sau cả năm ảm đạm, nên còn bao nhiêu nguồn lực đều bung ra để hoạt động, nhưng đợt dịch này có thể sẽ làm đảo lộn tất cả. Nếu tình hình dịch bệnh phức tạp, kéo dài hơn thì ngay cả những doanh nghiệp du lịch được xem là còn khả năng bám trụ sau hai đợt dịch trong năm vừa qua cũng khó mà vượt qua được. Doanh nghiệp lao đao là chuyện đã đành, nhưng khổ nhất vẫn là người lao động, khi họ đang hy vọng được quay trở lại làm việc thì lại bị gián đoạn. 

Đánh giá về sự ảnh hưởng đợt dịch Covid-19 lần này, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, các tour đi Đông Bắc, Tây Bắc hầu như khách đều hủy; khách miền nam, Đà Nẵng đi tour ra bắc cũng đã hủy hết. Nếu vài ngày tới, dịch bệnh được kiểm soát thì các tour đường bộ vẫn có thể khởi hành. Ông Thắng đánh giá, mặc dù đợt dịch này mức độ lây lan nhanh hơn những lần trước nhưng các đơn vị lữ hành đều rất bình tĩnh để xử lý. Du khách tuy có lo lắng nhưng cũng nghe ngóng tình hình chứ không ồ ạt hủy tour. Hiện tại, Việt Nam đã có ít nhiều kinh nghiệm và bài học về phòng, chống dịch nên có thể tin rằng, với sự vào cuộc quyết liệt, nhanh chóng của Chính phủ và các địa phương, dịch sẽ được kiểm soát tốt và du lịch sớm trở lại hoạt động bình thường.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến khó lường, nhiều người cho rằng đợt dịch này như cú đòn tiếp theo giáng vào các doanh nghiệp lữ hành. Sau một năm dài vật lộn với muôn vàn khó khăn, các công ty lại tiếp tục đối mặt thách thức và có nguy cơ không thể đứng dậy nổi. Bởi lẽ, nhiều dịch vụ của các đơn vị hàng không, khách sạn, nhà hàng, vận tải… đã được các công ty lữ hành chi trả trước nhưng giờ khách không đi nữa, doanh nghiệp buộc phải làm việc với đối tác thì mới có tiền để hoàn cho khách. Điều này khiến các doanh nghiệp du lịch vốn đã gặp khó lại càng khó khăn hơn.