Nỗ lực phủ xanh đô thị

Cây xanh đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa không khí, tạo bóng mát, tăng mỹ quan đô thị, cải thiện môi trường sống… Trước tình trạng không gian hạ tầng đang có chiều hướng bị “bê-tông hóa”, việc xây dựng một chiến lược phát triển cây xanh mang tính dài hơi, xứng tầm với Thủ đô là điều cấp thiết.

Nhiều cây xanh được trồng mới trên các tuyến phố của Thủ đô.
Nhiều cây xanh được trồng mới trên các tuyến phố của Thủ đô.

Từ ngày tuyến đường Võ Chí Công (quận Cầu Giấy) được đưa vào sử dụng đến nay, hai bên hành lang đường là những hàng cây xanh mát được thiết kế trồng khá đẹp. Dải phân cách giữa trồng cây chiêu liêu, bàng lá nhỏ; cây hoa thì có dâm bụt, hoa giấy, nhài tây, mẫu đơn. Đây được xem là tuyến đường có cây xanh kiểu mẫu của Hà Nội với tiêu chí đẹp mắt, ít công chăm sóc.

Theo Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội, ba năm trở lại đây, gần 200 khu vực được trồng bổ sung, thay thế, với lượng cây trồng tăng 10 - 15 lần so trước năm 2015. Cây xanh có nguồn gốc ngoại lai như phong lá đỏ cũng được trồng trên đường phố tạo sự hiện đại, tươi mới cho Thủ đô. Khác những năm trước đây, cây được trồng tại Hà Nội có đường kính lớn từ 10 - 20 cm, cao 6 - 8 m, được rào chống bằng gỗ hoặc sắt chắc chắn, cộng với việc chăm bón tốt nên tỷ lệ cây sống sót cao, hạn chế gãy đổ, số cây được cắt tỉa tăng tới 10 - 15 lần, bình quân mỗi năm 40.000 cây.

Ngoài sự đầu tư của chính quyền, mô hình biến bãi rác thành vườn hoa của nhóm cộng đồng “Sen trong phố” cũng đang được hưởng ứng mạnh mẽ. Một số bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực quận Cầu Giấy, Đống Đa, Hoàn Kiếm… đã trở thành những vườn hoa nhỏ xinh, tạo môi trường xanh, sạch cho khu dân cư. Hiện nay, mô hình này đã được đoàn thanh niên tại nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố triển khai. Một số nơi thì sử dụng đồ tái chế gồm những chậu cảnh cắt từ hộp nước giặt, can dầu ăn, đồ hộp nhựa cũ để trồng cây xanh tại khoảng trống ở cầu thang, lối đi… để rồi biến nơi đó thành những vườn hoa nhỏ rực rỡ sắc mầu hoa lá.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, việc tăng diện tích cây xanh trên đầu người là cần thiết để nâng chất lượng sống cho người dân Thủ đô. Song, để thực hiện mục tiêu trên là không dễ nếu thiếu sự vào cuộc của cả cộng đồng. “Làm thế nào để cộng đồng tự chăm sóc, bảo vệ, duy tu cây xanh trước cửa nhà mình và trong khu vực dân cư là điều không dễ. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của cán bộ phường, xã trong việc bảo vệ cây xanh, tránh trường hợp khi triển khai lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, một số xã của thành phố chặt hàng trăm cây xanh”, TS Nghiêm nêu ý kiến.

Tuy nhiên, có một thực tế là việc xây dựng, cải tạo trong đô thị đang ảnh hưởng lớn đến cây xanh. Ngoài việc thi công các dự án lớn đòi hỏi phải “triệt hạ” cây xanh để giải phóng mặt bằng, các hoạt động duy tu, bảo dưỡng đường sá, vỉa hè, hạ tầng đô thị cũng gây ảnh hưởng rất lớn. Cùng với đó, không ít hàng cây ven đường phố còn bị người dân cố tình chặt để tạo mặt tiền nhà thông thoáng, tiện việc buôn bán kinh doanh hay để phù hợp tâm linh, phong thủy của một số người. Họ âm thầm chặt rễ, bóc vỏ cây, lợi dụng đêm tối hay mưa bão để “bức tử” cây một cách thoải mái mà không sợ bị phát hiện. Nếu nơi nào kiểm soát chặt thì họ đổ nước sôi, nước muối, dầu hỏa hay thậm chí axit loãng vào gốc và rễ để cây chết dần, chết mòn...

Vì vậy, để bảo đảm sự phát triển hài hòa giữa cây xanh và hạ tầng đô thị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố đặt ra yêu cầu trồng mới cây xanh trên ba tiêu chí: đồng bộ, đồng đều và đa dạng. Cây trồng trên địa bàn không chỉ giúp làm đẹp về cảnh quan đô thị mà còn giảm bụi, hạn chế tiếng ồn. Giải pháp Hà Nội đưa ra để tăng diện tích cây xanh là huy động nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư; đào tạo cán bộ, công nhân viên cây xanh chuyên nghiệp, hiện đại.

Thành phố cũng tham khảo ý kiến của các nhà khoa học để đưa ra những loại cây mới phù hợp hơn với đô thị; thiết kế trồng cây tại một số tuyến đường theo hướng: cây bóng mát xen lẫn cây xanh, giữ được độ ẩm, hạn chế việc tưới nước và tạo dải phân cách xanh; tránh ánh sáng đèn khi phương tiện lưu thông ngược chiều vào ban đêm… Đặc biệt, gắn thiết kế cây xanh với thiết kế đô thị để tạo nét đặc trưng tại các tuyến phố Thủ đô.