Những “con đường khổ ải”

TP Hà Nội đang trong giai đoạn triển khai nhiều dự án, công trình giao thông quan trọng. Tuy nhiên, việc thi công kéo dài không chỉ khiến hạ tầng giao thông trở nên chật chội, ô nhiễm môi trường mà chất lượng sống của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cảnh ùn tắc, lộn xộn và nhếch nhác trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).
Cảnh ùn tắc, lộn xộn và nhếch nhác trên tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Người dân ngán ngẩm

Việc xây dựng và mở rộng đường Trường Chinh (quận Đống Đa) được UBND TP Hà Nội phê duyệt từ năm 2011 và khởi công năm 2013, tổng mức đầu tư 2.560 tỷ đồng. Mặc dù dự kiến hoàn thành vào năm 2015, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa xong vì vướng giải phóng mặt bằng. Việc thi công kéo dài khiến tuyến đường dù chỉ dài hai km nhưng thường xuyên rơi vào cảnh ùn tắc trầm trọng, và đây vẫn là “điểm đen” về giao thông khiến không ít người ngán ngẩm khi đi qua đây.

Không chỉ trở thành nỗi ám ảnh của người dân, hiện tại nhiều công trình thi công trên tuyến đường này cũng lộn xộn đất đá, rác thải xây dựng đổ đống không che chắn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. Rào chắn của công trường thi công đường trên cao (nằm ở dải phân cách giữa đường Trường Chinh) chiếm một nửa diện tích lòng đường, nên việc di chuyển trên đoạn đường từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng nhiều khi cực kỳ khó khăn.

Chị Trần Thị Phương (đường Trường Chinh) bức xúc: Ngày nào cũng tắc đường, bụi mịt mù, vật liệu xây dựng thì ngổn ngang. Nắng còn đỡ chứ mưa xuống lầy lội, đường lại toàn ổ gà, ổ voi không biết đâu mà lần. Nhiều người đi đường bị ngã vì đường trơn trượt trong những ngày mưa. “Bao nhiêu năm qua nhưng tuyến đường này vẫn vậy, người dân mong ngóng đường thông, hè thoáng nhưng tốc độ thi công cứ ì ạch không biết bao giờ mới xong”, chị nói.

Tương tự, tuyến đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm), đoạn nối lên cầu Thăng Long nằm trong dự án mở rộng đường vành đai 3 dưới thấp, do thành phố Hà Nội đầu tư xây dựng. Sau ba năm kể từ ngày khởi công, đoạn đường này cũng được nhiều người ví như “con đường đau khổ” vì ô nhiễm, khói bụi và ùn tắc. Những ai thường xuyên di chuyển trên tuyến đường này đều biết lưu lượng phương tiện tham gia giao thông luôn trong tình trạng quá tải. Tại bất kỳ thời điểm nào, con đường cũng ngột ngạt, chật chội nên hễ có chỗ nào trống là ngay lập tức có xe lao lên. Tỷ lệ thuận với đó là lượng bụi tăng, mù mịt và lâu tan hơn.

Anh Nguyễn Văn Đức, người dân sống trên đường Phạm Văn Đồng cho biết, mấy năm nay mở rộng làm đường nên hết sức gập ghềnh, trở thành nơi tập kết rác thải khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn. Vào những ngày nắng thì bụi bay mù mịt. Còn ngày mưa ngập nước lầy lội khiến đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn.

Bức tranh lộn xộn

Một điều đáng lo mà giới quy hoạch chỉ ra từ những “con đường đau khổ”, đó là việc thành phố có quy hoạch giãn dân giai đoạn 2015 - 2020, với mục đích đưa người dân từ trung tâm ra các quận vùng ven sinh sống nhằm giảm kẹt xe, thông thoáng cho các quận trung tâm. Để làm điều này, thành phố đã quy hoạch hạ tầng kết nối vùng ven, nhưng lại không kích thích doanh nghiệp bất động sản xây dựng đầu tư. Do đó, các quận vùng ven vẫn vắng bóng chung cư cao tầng để đưa người dân về ở, trong khi những cao ốc trung tâm đang dần chật hẹp.

Dẫn chứng, con đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân) dù dài chưa đầy một km nhưng phải gánh tới gần 40 dự án chung cư cao từ 25 - 35 tầng. Đường Nguyễn Tuân có hơn 20 dự án, đường Lê Văn Thiêm có 5 dự án… Thế nên, dù đường có được mở rộng nhiều bao nhiêu thì những chung cư cao tầng được cấp phép xây dựng còn nhiều hơn, gây áp lực lên hạ tầng giao thông. Chính vì vậy, ở Thủ đô người dân đã quá quen với chuyện tắc đường. Thậm chí, người ta còn làm cả danh sách “tốp đầu” những con đường kẹt xe, ngập lụt và đường vừa làm xong đã xuống cấp…

Chung quanh câu chuyện quy hoạch và quản lý quy hoạch, đại biểu Quốc hội Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng: “Có những dự án điều chỉnh quy hoạch theo yêu cầu của sự phát triển, nhưng có những quy hoạch điều chỉnh vì nhóm lợi ích”. Từ đó có thể thấy, lâu nay việc cấp phép xây dựng ở Thủ đô được thực hiện không khoa học, do ba cơ quan nhà nước gồm Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Khi kẹt xe, ách tắc đường phố, mỗi bên lại “nhảy” vào xử lý theo kiểu chắp vá, tắc đâu chữa đấy và chính điều này đã tạo nên một bức tranh giao thông đô thị nhếch nhác, chồng chéo, lộn xộn.