Nhìn thẳng vấn đề để gỡ khó

Làm việc mệt nhọc, tăng ca liên tục, thu nhập mức trung bình, hơn 70% công nhân lao động (CNLĐ) tại nước ta hiện nay vẫn phải chật vật kiếm chỗ trọ do chưa được tham gia những dự án nhà ở xã hội phù hợp. Các khoản chi ngày càng lớn, môi trường sống thiếu thốn đủ bề khiến “an cư lạc nghiệp” trở thành ước mơ khó chạm tới của rất nhiều người.

Nhiều công nhân vẫn phải ở trọ trong điều kiện thiếu thốn.
Nhiều công nhân vẫn phải ở trọ trong điều kiện thiếu thốn.

Chỉ 28% được đáp ứng nhu cầu về nhà ở

Khảo sát mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, hiện nay, phần lớn CNLĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN - KCX) ở nước ta là người ngoại tỉnh. Nhiều nhất là tỉnh Bình Dương (hơn 90%), TP Hồ Chí Minh (63%), Đồng Nai (60%), Hà Nội (59%)… Hiện cả nước có hơn 1,2 triệu CNLĐ có nhu cầu về chỗ ở. Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ vào khoảng 1,7 triệu người.

Nhu cầu là rất lớn nhưng thực tế, số nhà ở thuộc các dự án chỉ mới đáp ứng khoảng 28% so nhu cầu thực tế của người lao động. Thí dụ như TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 187.000 doanh nghiệp (DN), trong đó có 1.100 DN với gần 380.000 CNLĐ đang làm việc tại 17 KCN - KCX, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, đô thị này chỉ mới giải quyết được 15% nhu cầu nhà ở của CNLĐ. Tương tự, tỉnh Long An có 16 KCN, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động với hơn 10.100 DN và khoảng 300.000 người lao động. Điều đáng nói là địa phương này chỉ mới đáp ứng được 2 - 3% nhu cầu nhà ở của nhóm đối tượng này. Không có chỗ ở tập trung, phần lớn CNLĐ chấp nhận sống trong những phòng trọ chật hẹp, thiếu thốn với mức giá thuê ngày càng cao.

Báo cáo của các địa phương với Bộ Xây dựng cho thấy, hiện có tới 226 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, quy mô xây dựng khoảng 182.200 căn, hầu hết đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công, thậm chí có nhiều chủ đầu tư dự án đang xin chuyển đổi sang làm nhà ở thương mại, số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường thời gian gần đây rất hạn chế.

Trong khi số lượng dự án nhà ở cho CNLĐ ngày càng ít, thì việc tiếp cận các dự án nhà ở xã hội cũng chẳng dễ dàng gì. Tích góp chi tiêu, làm thêm nhiều việc, sau 10 năm vào làm công nhân tại TP Hồ Chí Minh, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành (quận Bình Tân) có được hơn 100 triệu đồng để trả mức đóng ban đầu cho một căn nhà xã hội. Thế nhưng, niềm vui đến chưa được bao lâu thì nỗi bức xúc ập đến. “Chúng tôi được yêu cầu phải hoàn tất quá nhiều loại giấy tờ theo thủ tục mới được hưởng mức giá tốt. Quê ở xa nên không thể đáp ứng được việc hoàn tất hồ sơ, quá mệt mỏi, tôi bỏ cuộc luôn”, anh Thành thở dài.

Linh hoạt để tạo cơ chế thoáng

Phát biểu ý kiến tại hội thảo “Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía nam” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Quản lý nhà & Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai các dự án nhà ở xã hội nói chung và nhà ở cho công nhân tại các KCN - KCX nói riêng: “Vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là sau khi gói tín dụng cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng kết thúc, nhưng ngân sách nhà nước chưa bố trí được nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ, nên CNLĐ nhiều nơi vẫn mòn mỏi chờ đợi một chỗ ở ổn định, chi phí thấp để an tâm làm việc”.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần có những giải pháp thiết thực dựa vào tình hình thực tế. Đó là xây dựng và định hướng chiến lược phát triển nhà ở dài hạn cho CNLĐ. Cùng với đó là việc xây dựng cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn vay ưu đãi đối với CNLĐ để hỗ trợ tạo lập nhà ở nhằm tạo môi trường cho CNLĐ an cư, nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ, bảo đảm an sinh xã hội”, ông Minh phân tích.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chính sách và luật về lĩnh vực này hiện nay không thiếu, vấn đề là phải vận dụng linh hoạt hơn để tạo cơ chế thoáng thu hút DN đầu tư cũng như tăng cơ hội tiếp cận nhà ở giá thấp cho CNLĐ. Trong đó cần nêu rõ các chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ. Cần bố trí quỹ đất hợp lý, có các cơ chế, giải pháp cụ thể để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển loại hình nhà ở này.