Nhiều mưa phùn trong tháng 3

Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia nhận định, trong tháng 3, Bắc Bộ khả năng chịu ảnh hưởng của năm đến bảy đợt không khí lạnh. Đồng thời những ngày này, Thủ đô Hà Nội xuất hiện nhiều mưa phùn, lượng sương mù và độ ẩm cũng gia tăng.

Theo dự báo, tại khu vực Hà Nội trong những ngày tới sẽ có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, độ ẩm cao.
Theo dự báo, tại khu vực Hà Nội trong những ngày tới sẽ có mưa nhỏ, mưa phùn, sương mù, độ ẩm cao.

Tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ, không khí lạnh đã ảnh hưởng, nhiều nơi ở miền bắc và khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế bắt đầu xuất hiện mưa, có nơi mưa rào và vài nơi có dông, đồng thời nền nhiệt cũng giảm nhanh. Tại Hà Nội, thời tiết khu vực tương đối xấu, với trạng thái trời nhiều mây, sương mù tiếp diễn kèm nhiệt độ giảm dao động từ 17 đến 21°C, trời lạnh.

Theo dự báo, khu vực TP Hà Nội có khả năng xảy ra vài đợt không khí lạnh từ ngày 10-3 đến 22-3. Tuy nhiên, các đợt không khí lạnh này có thời gian ngắn và ít có khả năng gây rét đậm, do vậy nhiệt độ trung bình trong tháng 3 trên địa bàn thành phố vẫn ở mức cao, dao động từ 22 đến 23,5°C. Trong các đợt lạnh tới, không khí lạnh chủ yếu lệch đông nên có những ngày tiết trời ẩm ướt với sự xuất hiện của mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tập trung ở các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Tuy nhiên, cũng có sự xuất hiện của những cơn mưa rào, dông và cục bộ có thể xuất hiện lốc, sét, mưa đá, tập trung nhiều ở các tỉnh vùng núi. Đặc trưng của đợt lạnh này là lệch đông, gây mưa phùn, sương mù, độ ẩm cao.

Các chuyên gia khuyến cáo, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm, mưa phùn, các loại virus, vi khuẩn và nấm mốc có thể sinh sôi, gây nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe như thủy đậu, sốt virus, sởi, bệnh đường hô hấp, đau mắt đỏ, bệnh về da, tiêu chảy... Những người có sức đề kháng yếu như người già và trẻ em thường là đối tượng dễ mắc bệnh. Do vậy, theo các bác sĩ, trong điều kiện thời tiết nồm ẩm hiện nay, để phòng chống bệnh, người dân cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…; hạn chế đến những chỗ đông người. 

Ngoài ra, cần giữ vệ sinh môi trường sống bằng cách làm sạch và thông thoáng không gian trong nhà; nên xếp các đồ dễ bị ẩm mốc lên cao, không tiếp xúc trực tiếp với mặt đất; để thoáng gầm giường, tủ tránh mọc nấm mốc; đóng kín các cửa phòng, dùng khăn thấm hút nước tốt lau khô sàn nhà; làm khô không gian sống bằng cách sử dụng điều hòa nhiệt độ, máy hút ẩm, không phơi quần áo ướt trong nhà; quần áo khó khô khi độ ẩm quá cao nếu có thể, hãy dùng máy sấy, bàn là ủi đồ trước khi mặc nhằm tránh nấm mốc, các bệnh ngoài da; duy trì việc luyện tập thể dục (có thể thực hiện trong nhà nếu ngoài trời mưa) để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể; ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng, chú ý cân đối các nhóm dưỡng chất như tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Những người có bệnh mãn tính cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, duy trì đơn thuốc và các biện pháp kiểm soát bệnh tốt để yếu tố môi trường kích thích bệnh phát tác. Khi thấy có các biểu hiện bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn.