Nguy hiểm chợ tạm đường tàu

Nhiều người dân địa phương cho biết, chợ Kim Liên tại Km 776 + 545 nằm trên tuyến đường sắt bắc - nam (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) đã được nhóm họp lâu nay. Họ mong mỏi có được một nơi đàng hoàng để mưu sinh, không ảnh hưởng đến tính mạng và an toàn hành lang đường sắt. 

Người dân vẫn hằng ngày mua bán tại chợ Kim Liên bất chấp nguy hiểm.
Người dân vẫn hằng ngày mua bán tại chợ Kim Liên bất chấp nguy hiểm.

Có mặt tại chợ Kim Liên từ lúc sáng sớm, quan sát kỹ sẽ thấy không gian chợ nằm trải dài đến hơn 50 m cả hai bên tuyến đường ray, người dân tấp nập mua bán, đặc biệt là những ngày cuối tuần. Chợ bày bán chủ yếu là thực phẩm như cá, thịt, tôm, rau, củ quả… Nếu không có những hồi còi tàu hú, không có bóng dáng trang phục của người gác chắn đường dân sinh ngay ngã tư này, hẳn nhiều người nhầm tưởng đây không phải là tuyến đường sắt quan trọng bắc - nam. Được biết, mỗi ngày có từ 15 - 20 chuyến tàu qua lại khu vực chợ này và người dân vẫn “bám” đường ray mưu sinh, họp chợ. 

Chợ bắt đầu họp từ 4 giờ sáng, đông nhất khoảng 5 - 7 giờ sáng, hôm thì chợ vãn sớm nhưng cũng có hôm nhiều tiểu thương mang hàng đến bán lâu hơn. Số lượng các gian hàng tại đây không cố định mà thay đổi theo từng thời gian, từng ngày. Cạnh chợ, thậm chí nhiều quầy bán quần áo lưu động được người dân lấn hết vào tận đường ray, thản nhiên buôn bán. Ngoài việc người dân họp chợ, hiện địa điểm này còn có mấy toa hàng cũ đã thanh lý nhưng chưa kéo đi khiến cảnh quan chung quanh nhếch nhác, rối rắm, che hết tầm nhìn. Đặc biệt, che lấp cả vị trí đặt camera quan sát. 

Khi được hỏi về an toàn tính mạng, nhiều người bán hàng tại chợ đều ngậm ngùi nói họ chấp nhận hiểm nguy để kiếm sống, mưu sinh. Mỗi khi có còi tàu, cả người bán và người mua đều nhanh chóng “dạt” vào đường gom. Xong, đâu lại vào đấy. Cả hai lại tranh thủ thời gian và tranh thủ khi tàu chưa tới để vội vã bán, mua. Nhịp sống ở chợ Kim Liên, bao năm nay cứ đều đặn diễn ra như thế.

Ông Lê Văn Khánh, nhân viên gác chắn đường ngang dân sinh ngay khu vực chợ Kim Liên cho hay, ba năm trở lại đây, chợ bắt đầu đông người mua bán. Chợ phục vụ người dân, mà bà con sinh sống khu vực quanh đây đi chợ nhóm này là gần và tiện nhất. Họ họp chợ ngay trên đường ray, từ sạp hàng đến khoảng cách tàu chạy chưa đầy một mét. Cả khu vực chợ tạm lọt thỏm mỗi khi tàu hú còi ngang qua. Gần mười năm gác chắn tại đây, mặc dù chưa có tai nạn thương tâm nào xảy ra nhưng mối nguy hiểm thì luôn rình rập. Ngày nào ông Khánh cũng nhắc nhở bà con, nhưng, cũng vì mưu sinh, vì miếng cơm manh áo mà họ vẫn phải bán mua ở nơi này. “Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân địa phương, đồng thời để bà con vẫn có kế sinh nhai, đề nghị chính quyền địa phương sớm xây dựng chợ mới, gom các quầy hàng vào buôn bán trong đó. Đồng thời, tiến hành làm hành lang, cắm biển cấm họp chợ, chứ cứ để chợ tạm đường tàu này thành chợ chính thì nguy hiểm vô cùng”, ông Khánh đề xuất.

Được biết, trước thực trạng vi phạm hành lang an toàn đường sắt cũng như việc nhóm họp chợ tự phát tại đường ray, chính quyền phường Hòa Hiệp Bắc đã nhiều lần họp, đề xuất với các đơn vị liên quan, đồng thời tham mưu, đề xuất với UBND quận Liên Chiểu đưa vào kế hoạch cấp vốn đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn phường. Ông Võ Khoa Nguyên, Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Bắc cho biết: Nhằm tạo điều kiện ổn định cho bà con buôn bán, phường đã đề xuất xây dựng một chợ loại II trên địa bàn. Công trình dự kiến được khởi công vào đầu năm 2021. Sau khi xây dựng xong, sẽ gộp ba chợ nhỏ trên địa bàn gồm chợ Thủy Tú, Vật Tư và Kim Liên vào chợ mới, không để xảy ra tình trạng vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt như hiện nay. Đặc biệt, sẽ xử phạt nghiêm các đối tượng lấn chiếm vỉa hè đường sắt để nhóm họp chợ, buôn bán trái phép.

Tuy tạm bợ, nhưng Kim Liên lại là chợ chính phục vụ nhu cầu mua bán thực phẩm, nhu yếu phẩm của hàng trăm hộ dân sinh sống trên địa bàn. Theo kế hoạch của địa phương, phải đến năm 2021 mới tiến hành xây chợ mới, còn lúc này mọi hoạt động mua bán hằng ngày vẫn tiếp diễn. Ai cũng biết việc nhóm họp chợ ngay bên tuyến đường sắt bắc - nam sẽ rất nguy hiểm. Nhưng, hiện vẫn chưa có giải pháp căn cơ nào để xử lý.