Ngột ngạt ngày hè

Miền bắc đang trải qua những ngày nắng nóng dữ dội, nhiệt độ nhiều nơi lên đến hơn 40 độ C. Tình trạng nắng nóng hoành hành nghiêm trọng đang khiến đời sống người dân bị đảo lộn.

Người dân Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt.
Người dân Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng khắc nghiệt.

1/ Nắng nóng gay gắt khiến nhiều hộ gia đình ở Thủ đô những ngày qua phải tìm các giải pháp chống nóng bằng việc mua sắm thêm quạt làm mát, điều hòa có công suất lớn nhằm hạ nhiệt độ. Trong các trung tâm mua sắm như Nguyễn Kim, Media Mart, HC, Điện máy Xanh…, gian hàng điện máy thường có lượng người mua sắm đông hơn các khu vực khác. Tại Siêu thị điện máy Media Mart trong mấy ngày cuối tuần, sức mua đối với các mặt hàng điện lạnh như máy làm mát không khí, quạt điện, điều hòa, tủ lạnh… tăng cao so bình thường.

Đại diện siêu thị điện máy HC trên đường Giải Phóng (quận Hoàng Mai) cho biết, nhu cầu sử dụng các loại quạt mát (quạt đứng, treo tường) tăng mạnh, thậm chí vượt cả nhu cầu lắp đặt máy điều hòa. Trong đó, loại sản phẩm quạt hơi nước (còn gọi là quạt điều hòa hoặc máy làm mát không khí) đang có xu hướng tăng cao do ưu điểm tiêu thụ điện năng thấp, dễ di chuyển, lại đi kèm nhiều tính năng hiện đại như làm mát nhanh, tạo ion và làm sạch không khí.

Nắng nóng cũng khiến một số dịch vụ ăn theo đắt hàng, các loại nước mát phục vụ nhu cầu giải nhiệt cho mọi người được bày bán khắp các đường phố, ngõ xóm ở Hà Nội như mía đá, trà chanh, nước ép hoa quả… Đồng thời, giá cũng bị đẩy lên cao mỗi ngày khi thời tiết càng oi bức. Ngoài ra, dịch vụ giải khát giao hàng tận nhà như thạch, chè, kem, nước thanh nhiệt… cũng được những người kinh doanh trực tuyến tích cực quảng cáo thông qua các trang mạng xã hội.

2/ Mới sáng sớm, hơi nóng hầm hập phả ra khiến bất cứ ai cũng cảm thấy mệt mỏi. Không khí càng trở nên ngột ngạt vào buổi trưa khi nhiệt độ tăng cao, trong đó nhiều khu vực đã vượt mức 37 - 39 độ C. Thế nhưng trong tiết trời oi nóng ấy, hàng nghìn người lao động nghèo, người giao hàng, người bán hàng rong, công nhân xây dựng, môi trường đô thị… vẫn miệt mài làm việc. Đáng nói nhất, những người này không những phải chịu áp lực nắng nóng từ ánh mặt trời soi rọi, mà còn hứng chịu sức nóng của mặt đường nhựa phả lên, khiến môi trường làm việc càng thêm khắc nghiệt.

Anh Tiến, bán dừa xiêm tại đường Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Càng nắng mình càng phải đi làm, vì trời mưa thì không bán được. Như hôm rồi, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới gần 50 độ C, đi lui tới là “cực hình” nhưng như vậy thì mới đông khách. Dẫu lượng khách mấy ngày nắng có tăng, tuy nhiên vất vả vô cùng, nhiều lúc tưởng như thở không nổi”.

Trên các tuyến đường như Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Nguyễn Xiển, Ngã sáu Ô Chợ Dừa… hay tại các công trường thi công đường vành đai 2 trên cao (trục đường Trường Chinh - Minh Khai), công trình ga ngầm S9 của tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội trên phố Kim Mã vào những ngày nắng cao điểm, phương tiện lưu thông vẫn rất đông. Oi bức, mệt mỏi là tình trạng chung khi người dân phải lưu thông trên các tuyến đường vắng bóng cây trên địa bàn Thủ đô.

Những năm gần đây, tình hình nắng nóng ngày càng trở nên căng thẳng, đặc biệt ở miền bắc và các tỉnh miền trung khi nhiệt độ nền một số nơi thường vượt ngưỡng 40 độ C. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ ngoài trời liên tục tăng cao, chỉ số tia UV từ 8-10, ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao đến rất cao đối với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Bên cạnh đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cũng cảnh báo, do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt kết hợp độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ, vùng núi Bắc Bộ.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng nắng nóng gia tăng đến mức khắc nghiệt, các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, ngoài yếu tố thời tiết biến đổi thất thường, không thể không nhắc đến sự quy hoạch bất hợp lý khi nhà cao tầng bê-tông cốt thép khô cứng mọc lên ngày càng nhiều, trong khi các mảng xanh điều hòa không khí như cây xanh, công viên, hồ nước… ngày càng ít đi. Có thể thấy, TP Hà Nội sau những lần mở rộng đường phố là hàng loạt cây xanh bị chặt hạ, hoặc di dời, số cây trồng mới chưa có thời gian phát triển cho bóng mát đã khiến các tuyến đường trở nên nóng hầm hập, bức bối hơn so trước kia. Tất nhiên, trong sự phát triển tổng thể của Thủ đô, không thể tránh được việc chặt hạ, di dời cây xanh, xây nhà cao tầng, mở đường, song rất cần tính toán sao cho bảo đảm hài hòa giữa quy hoạch và phát triển để góp phần giảm tải áp lực hạ tầng cho thành phố vốn đang rất bí bách, ngột ngạt.