Ngán ngẩm nhà tái định cư

Chất lượng cùng thực trạng quản lý, vận hành của nhà tái định cư (TĐC) đang tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân. Vậy trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc về ai?

Khu tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đã xuống cấp trầm trọng sau hơn chục năm đi vào sử dụng.
Khu tái định cư Đền Lừ (quận Hoàng Mai) đã xuống cấp trầm trọng sau hơn chục năm đi vào sử dụng.

Xuống cấp quá nhanh

Ghi nhận tại tòa A1 khu TĐC Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội) sau 15 năm đi vào sử dụng, nhiều hạng mục của nhà tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng. Nền gạch, bê-tông nứt toác từng mảng, những vết nứt lớn xuất hiện chung quanh tòa nhà. Thậm chí, tầng 1 vốn là khu vực kinh doanh của tòa nhà phải quây tôn bao quanh vì mất an toàn. Toàn bộ mặt tiền khu vực đường đôi Đền Lừ quây tôn như nhà hoang, bên ngách trở thành nơi đổ rác thải, mùi xú uế bốc lên khó chịu. Tại tòa A1, hàng chục “chuồng cọp” được cơi nới, xây dựng không biết từ bao giờ khiến tòa nhà không khác gì những khu tập thể xây dựng từ 50 - 60 năm trước.

Anh Nguyễn Văn Đức, sống tại tòa nhà A3, khu TĐC Đền Lừ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, hệ thống hạ tầng tòa nhà gia đình anh đang sinh sống đang xuống cấp trầm trọng, hệ thống đường ống dẫn bồn cầu thường xuyên bị tắc làm ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của cư dân tòa nhà. “Có thời điểm đường ống thoát bồn cầu bị tắc hàng chục ngày, mặc dù cư dân đã trình báo nhưng vẫn không được đơn vị quản lý cử người đến khắc phục, xử lý”, anh nói.

Cách đó không xa là khu TĐC Đồng Tàu (phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), được đưa vào sử dụng cách đây hơn 10 năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, khu đô thị này xuống cấp nghiêm trọng. Chị Nhung (tòa nhà N6) cho biết, sống ở gần những con đường mới mở nhưng cuộc sống ở đây lại không khác khu “ổ chuột”. Sàn để xe lún nứt, chung quanh tòa nhà cũng nứt lún khắp nơi. Đường ống nước thải thường xuyên bị nghẽn khiến nước dềnh lên nhiều ngày không được khắc phục. Thực tế tại khu TĐC Đồng Tàu, nhiều khu sinh hoạt chung đang bị lấn chiếm, rác thải tràn ngập khu vực vườn hoa quanh các tòa nhà. 

Không chỉ khu TĐC Đền Lừ, Đồng Tàu mà phần lớn các khu TĐC khác như Bắc Linh Đàm, Nam Trung Yên, Sài Đồng… cơ sở hạ tầng cũng đang xuống cấp. Tại khu TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), 18 tòa TĐC ở đây sau 15 năm đưa vào vận hành nhưng chưa được sửa chữa, bảo trì, đến nay đều xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống thang máy. Người dân tại đây đã đề nghị nâng cấp nhưng phía đơn vị chịu trách nhiệm chưa có bất kỳ động thái sửa chữa, bảo dưỡng nào. 

Trách nhiệm của ai?

Các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng, xét về trách nhiệm, nhà thầu đương nhiên phải có nghĩa vụ tuân thủ đầy đủ pháp luật và các yêu cầu kỹ thuật, chất lượng xây dựng công trình, nhưng họ không làm tròn trách nhiệm. Bên cạnh đó, lý do khiến nhiều dự án nhà TĐC sớm xuống cấp là do chất lượng xây dựng có vấn đề. Chưa kể, nhiều nhà TĐC tính hiệu quả của việc phát triển không được quan tâm đúng mức, cơ quan chức năng cũng không sát sao giám sát dẫn đến tình trạng nhà TĐC không phù hợp với nhu cầu của người dân.

Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội, đơn vị đang quản lý 136 tòa TĐC cho biết, việc xuống cấp của khu TĐC Đồng Tàu và Đền Lừ là do nằm cùng dải địa chất yếu. Ở khu Đền Lừ, ngay từ trước khi bàn giao, chủ đầu tư đã phải khắc phục sự cố sụt lún. “Hiện nay, mức phí để quản lý, vận hành các tòa nhà chung cư TĐC thu theo quy định của thành phố là rất thấp, không đủ để bù chi phí bảo trì, sửa chữa. Mức thu phí để vận hành cơ bản phải từ 4.000 - 5.000 đồng/m²/tháng, nhưng hiện vẫn thu mức 500 đồng/m²/tháng (khoảng 30.000 đồng/hộ/tháng)”, đại diện đơn vị quản lý nói.

Có thể thấy, để xảy ra tình trạng xuống cấp nền quanh tòa nhà là do lỗi ngay từ khâu thiết kế. Ngoài ra, đơn vị thẩm định, chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm. Cùng với sự xuống cấp, việc sửa chữa nhà TĐC phụ thuộc quá nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước, khiến mỗi vấn đề sự cố phải chờ công ty quản lý tòa nhà tổng hợp trình cơ quan chức năng xử lý nên rất mất thời gian. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, chất lượng của nhà TĐC có liên quan hai giai đoạn về chính sách dành cho loại hình nhà ở này. Ở giai đoạn trước, nhà TĐC được thực hiện như dự án ngân sách Nhà nước, được cấp vốn rồi giao cho các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư, xây dựng, kèm theo một số ưu đãi cho các đơn vị này. Tuy nhiên, hiệu quả của các dự án nhà TĐC trong giai đoạn này rất kém. Việc quản lý, kiểm soát chi tiêu còn nhiều bất cập, thậm chí, có tình trạng “chạy” dự án. 

“Bên cạnh đó, trước khi tiến hành xây dựng nhà TĐC, việc nghiên cứu xem liệu dự án có đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân hay không lại chưa được tiến hành kỹ càng, sâu sát. Hệ quả là, nhiều quỹ nhà TĐC được xây dựng trước đây bị bỏ hoang vì không phù hợp nhu cầu sử dụng và các công trình đó thường xuống cấp rất nhanh”, ông Đính nói.