Nâng tầm thành phố Thủ đô

Với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân, TP Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp đột phá về kinh tế - xã hội. Dẫu vậy, để xây dựng một Thủ đô giàu đẹp, hiện đại, không chỉ cần chủ trương đúng hay nỗ lực của chính quyền, mà cần cả tình yêu và ý thức bảo vệ môi trường sống của mỗi người dân.

Một góc phía tây Hà Nội. Ảnh: HÒA HIỆP
Một góc phía tây Hà Nội. Ảnh: HÒA HIỆP

1/ Hà Nội đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Với những ai yêu mến mảnh đất nghìn năm văn hiến đều không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến sự đổi thay tích cực của thành phố. Những con số như tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2018 chỉ còn 1,16%, về đích trước hai năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, cho thấy những thành tựu và nỗ lực không mệt mỏi của thành phố.

Thời gian tới, Hà Nội đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 1%. Với 89% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, khoảng cách đời sống giữa khu vực nông thôn và đô thị dần được thu hẹp. Thành phố đã đạt mục tiêu cơ bản tất cả số xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% số trạm y tế có bác sĩ; thu nhập bình quân đầu người đạt 116 triệu đồng, tương đương 5.050 USD/năm; thu hút vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 5,416 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; tổng thu ngân sách trên địa bàn ước 132.134 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán.

Hà Nội là trung tâm kinh tế trọng điểm, cũng là nơi khởi nghiệp, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới. Năm 2018, thành phố thu hút đầu tư 7,5 tỷ USD, trong đó cấp mới 640 dự án với số vốn đăng ký hơn 5 tỷ USD, lần đầu dẫn đầu cả nước về số vốn đăng ký cấp mới, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng và đầu tư nước ngoài giai đoạn 2016 - 2018 của Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc đứng thứ hai cả nước (sau Vùng kinh tế trọng điểm phía nam).

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành Đề án tổng kiểm kê đánh giá, phân loại, bảo vệ di tích, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ðến nay, thành phố đã có năm di sản văn hóa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) vinh danh là Di sản văn hóa thế giới; ngoài ra có 16 di tích quốc gia đặc biệt, 16 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Hà Nội được bạn bè quốc tế bình chọn vị trí thứ tám trong danh sách 25 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới.

2/ Sau hơn một thập kỷ mở rộng địa giới hành chính, cùng sự phát triển không ngừng của nền kinh tế, hạ tầng đô thị Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng. Các công trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị cơ bản nằm trong kế hoạch 5 năm (2016 - 2020) đã được triển khai xây dựng theo thứ tự ưu tiên, tính cấp thiết và đạt nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sống, vệ sinh môi trường và cảnh quan thành phố.

Hai thập kỷ qua, danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” đã tạo động lực để Hà Nội phát triển, đạt nhiều thành tựu dựa trên các tiêu chí: bình đẳng, xây dựng đô thị, tạo dựng môi trường sống, thúc đẩy phát triển văn hóa - giáo dục và chăm lo sức khỏe cộng đồng công dân, bảo đảm tương lai… Ngày hôm nay thành phố Thủ đô đã to đẹp hơn, khang trang hơn. Không chỉ mở rộng địa giới hành chính, gia tăng dân số, Hà Nội còn là thành phố đa sắc mầu văn hóa.

Diện mạo một thành phố hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới đang dần được định hình, với hàng loạt dự án giao thông lớn được kết nối từ trung tâm đến các vùng ngoại thành. Không dừng lại ở hạ tầng giao thông, khu vực phía tây Hà Nội cũng đang phát triển nhiều dự án thương mại, văn hóa, xã hội hứa hẹn nhiều đột phá.

Thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội cho thấy, tương lai Thủ đô sẽ trở thành một đại đô thị trải dài từ tả ngạn sông Hồng đến cận vùng trung du phía bắc. Đã có hơn 700 dự án bất động sản được triển khai, cho thấy một làn sóng đầu tư bất động sản lớn chưa từng có về các vùng Hà Nội mở rộng. Sự ra đời của những tổ hợp đô thị mới như Vinhomes Riverside, Park City, Gamuda City, Ecopark, Ciputra, The Manor, The Golden An Khánh… đã làm thay đổi diện mạo Thủ đô, góp phần tăng trưởng kinh tế.

Từng bước giải quyết việc làm, tạo lập môi trường đô thị với điều kiện sống văn minh, Hà Nội đang nỗ lực giảm tải mật độ dân cư ở nội thành, tạo không gian sống tốt hơn nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ cuộc sống ngày càng cao của người dân. Đi cùng với đó, ý thức của mỗi người dân cũng ngày càng được nâng cao, thấy rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển chung vì một Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.