Nâng chất lượng với xe buýt trợ giá

Nhằm thực hiện mục tiêu dài hạn giảm lượng phương tiện cá nhân, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cũng như phát triển hệ thống phương tiện công cộng, UBND TP Đà Nẵng vừa chính thức đưa thêm ba tuyến xe buýt trợ giá mới có ký hiệu R6A, R14, R16 đi vào hoạt động, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Nâng chất lượng với xe buýt trợ giá

Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Đà Nẵng cho biết, tuyến R16 có chiều dài khoảng 30 km nối các khu vực dân cư từ ga tàu Kim Liên (Liên Chiểu) với Trường cao đẳng Việt - Hàn (quận Ngũ Hành Sơn). Tuyến R6A từ Bến xe trung tâm (quận Liên Chiểu và Cẩm Lệ) về Khu du lịch làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn), còn tuyến R14 nối từ Công viên 29-3 (quận Thanh Khê) lên Khu công nghệ cao (huyện Hòa Vang).

Ba tuyến xe buýt mới sẽ kết nối đan xen vùng ngoại ô với hệ thống giao thông công cộng hiện hữu. Trong đó, nhiều tuyến đường như Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh (quốc lộ 1A đi qua Đà Nẵng), đường tránh Nam Hải Vân. Với tiêu chí thân thiện, hiện đại, thuận tiện, an toàn, các xe buýt trợ giá đều được trang bị các tiện ích như tivi, điều hòa, loa báo, nội thất sạch sẽ, hoạt động liên tục từ 5 giờ 30 phút đến 21 giờ hằng ngày, với tần suất 10 phút/chuyến vào giờ cao điểm và 20 phút/chuyến vào giờ bình thường.

Với ba tuyến xe mới, cho đến thời điểm hiện tại, toàn TP Đà Nẵng có 12 tuyến xe buýt trợ giá (thời gian 5 năm), tạo thành mạng lưới giao thông công cộng bao phủ các hướng và đi qua khu vực trung tâm của tất cả các quận, huyện của thành phố. Trước đó, Đà Nẵng đã có một tuyến buýt TMF do Quỹ Toyota Mobility Foundation tài trợ, sáu tuyến buýt hiện trạng (không trợ giá) và hai tuyến buýt du lịch N1, N2. Theo quy hoạch của Đà Nẵng, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ đảm nhận vận tải của xe buýt đạt 9% tổng nhu cầu đi lại của người dân thành phố, xe buýt nhanh đạt 3% (458.735 chuyến/ngày) và đến 2025 sẽ đảm nhận 837.098 chuyến/ngày.

Thời gian qua, TP Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển hệ thống xe buýt công cộng và xe buýt trợ giá. Ngoài việc đầu tư hệ thống theo các tiêu chí “thân thiện - hiện đại - thuận tiện - an toàn - trợ giá”, chính quyền Đà Nẵng dần hoàn thiện một dịch vụ giao thông công cộng với nhiều tiện ích nhằm giảm chi phí cá nhân, mang đến sự an toàn, chất lượng khi tham gia giao thông cho người dân. Tuy nhiên trên thực tế, người dân vẫn còn “thờ ơ” với hình thức vận chuyển công cộng này. Lý giải về việc các tuyến buýt trợ giá thường xuyên trong tình trạng “ế khách” nhưng địa phương vẫn quyết mở thêm các tuyến mới, đại diện Sở GTVT TP Đà Nẵng cho rằng, do việc đầu tư về hạ tầng chưa đồng bộ, lộ trình từ nhà chờ đến các điểm đỗ dừng chưa logic, hình thức khuyến mãi chưa hấp dẫn và dù đã có tuyên truyền nhưng người dân vẫn chưa biết nhiều.

Vì vậy, để tạo thuận lợi và khuyến khích người dân đi xe buýt thường xuyên, UBND TP Đà Nẵng đã yêu cầu Sở GTVT tuyên truyền hệ thống xe buýt trợ giá đến người dân, học sinh, sinh viên trên địa bàn. Tại các buổi tuyên truyền, thông tin về lộ trình, điểm dừng, tần suất hoạt động, thủ tục làm thẻ vé tháng, hồ sơ làm thẻ vé ưu tiên đi xe buýt... đã được đưa đến tận tay người dân. Theo đó, trong 30 ngày kể từ khi khai trương, người dân và du khách sẽ được đi miễn phí tại ba tuyến xe mới kể trên. Từ tháng 11, giá vé được trợ giá mỗi lượt là 5.000 đồng/lượt/hành khách. Vé tháng ưu tiên là 45.000 đồng/tháng và vé tháng không ưu tiên là 90.000 đồng/tháng.