Mòn mỏi chờ sổ hồng

Theo quy định, chủ đầu tư (CĐT) nhà chung cư phải có trách nhiệm làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ (sổ hồng) cho khách hàng mua căn hộ trong vòng 50 ngày (kể từ ngày bàn giao căn hộ). Thế nhưng, trên thực tế không phải ai cũng thực hiện đúng quy định.

Tình trạng “treo’’ sổ hồng diễn ra phổ biến ở nhiều khu đô thị.
Tình trạng “treo’’ sổ hồng diễn ra phổ biến ở nhiều khu đô thị.

Vi phạm tràn lan

Thời gian qua, hàng trăm chung cư trên địa bàn Hà Nội dù đã bàn giao nhiều năm nhưng vẫn “treo” sổ hồng vì CĐT vi phạm trật tự xây dựng. Có thể kể tới các dự án như Capital Garden (102 Trường Chinh); chung cư Westa (Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông); chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (quận Hai Bà Trưng); chung cư The Golden Palm (Lê Văn Lương, Thanh Xuân)… Việc không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng căn hộ trong nhiều năm trời khiến cư dân sống tại những nơi này liên tục phản đối.

Bức xúc vì bỏ ra tiền tỷ để mua chỗ “an cư” nhưng sau nhiều năm, pháp lý căn nhà vẫn chỉ là “Hợp đồng mua bán căn hộ”, nhiều cư dân tại các dự án đã tìm đủ cách để đấu tranh đòi quyền lợi cho mình. Mới đây, cư dân tại tổ hợp chung cư HH Linh Đàm (quận Hoàng Mai) lại tiếp tục treo băng-rôn yêu cầu CĐT trả sổ hồng. Theo phản ánh của người dân, họ đã dọn về chung cư ở gần 5 năm nhưng đến nay vẫn chưa được bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ. Một trong những lý do của sự chậm trễ này là vì khu HH Linh Đàm chỉ được cấp phép xây dựng 27 tầng, nhưng CĐT đã xây từ 36 - 41 tầng, vượt quá nhiều so quy hoạch được phê duyệt. “Cực chẳng đã chúng tôi mới phải căng băng-rôn đòi quyền lợi. CĐT đã có văn bản cam kết quý IV-2019 sẽ bàn giao sổ hồng nhưng đến giờ vẫn chưa có động tĩnh, chúng tôi chẳng biết phải đợi tới bao giờ nữa”, anh Nguyễn Văn Sơn, cư dân tòa nhà HH1A cho biết.

Trước đó, hàng trăm cư dân tại chung cư Star City (số 81, đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân) cũng đã nhiều lần phản đối CĐT do không thực hiện đúng cam kết cấp sổ hồng. Hay tại chung cư Westa (quận Hà Đông), nhiều cư dân cũng “kêu trời” vì nhận bàn giao nhà từ năm 2014 mà đến nay vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Lý do “om” sổ hồng có nhiều, nhưng chủ yếu là do CĐT vi phạm trật tự xây dựng (xây vượt tầng, phá vỡ quy hoạch, sai thiết kế…) hoặc đang cầm cố dự án tại ngân hàng.

Tình trạng “treo” sổ hồng khiến quyền lợi của cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi trên danh nghĩa là có nhà nhưng không có giấy tờ chứng minh sở hữu. Họ muốn vay tiền, thế chấp ngân hàng để kinh doanh thì không có cơ sở pháp lý, muốn thay đổi chỗ ở cũng khó vì thủ tục chuyển nhượng phức tạp, mất thời gian. Có người sau nhiều lần đi đòi quyền lợi được hứa lên, hẹn xuống rồi im bặt, mệt mỏi quá nên đành buông xuôi.

Cần xử phạt nặng hơn

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, nếu CĐT nhà chung cư chậm làm sổ hồng cho cư dân có thể bị phạt lên tới một tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, các CĐT có thể thế chấp dự án, vay tiền để đầu tư chỗ khác sinh lãi hàng trăm tỷ đồng, vậy với mức nộp phạt một tỷ đồng liệu có khiến họ e ngại mà chấp hành đúng quy định? Lấy thí dụ, một trong những “đại gia” trên thị trường bất động sản là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico), nhưng cũng đang chậm trễ trong việc bàn giao sổ hồng cho cư dân Khu đô thị mới Sài Đồng (quận Long Biên). Vì thế, với những dự án chung cư có số vốn lên tới hàng trăm tỷ đồng, số tiền phạt cao nhất chỉ là một tỷ đồng thì vẫn được coi là nhẹ, thiếu tính răn đe.

Một tình trạng phổ biến hiện nay là có những doanh nghiệp bất động sản sau khi xin được giấy phép xây dựng dự án, đã cố tình tăng thêm diện tích chung cư so với đăng ký thiết kế ban đầu để bán thêm số lượng căn hộ. Điều này dẫn đến hậu quả là các căn hộ này không đủ căn cứ pháp luật để cơ quan chức năng nghiệm thu. Ngoài ra, có nơi CĐT đã xin cấp sổ đỏ cho cả dự án, nhưng lại mang thế chấp ngân hàng dẫn đến ách tắc trong quá trình làm hồ sơ xin cấp sổ hồng. Vậy câu hỏi được đặt ra là, việc CĐT mang tài sản đi thế chấp trong khi đã bán nhà cho khách hàng có thể coi là hành vi vi phạm pháp luật hay không?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B Law (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, đến nay số lượng CĐT bị phạt vẫn rất ít, vì thế mức xử phạt của pháp luật cần được nâng lên để bảo đảm tính khả thi. Bên cạnh đó, ngoài sự kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng nên có sự giám sát từ chính cư dân. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho mình, người dân phải tìm hiểu kỹ trước khi mua căn hộ để tránh dính vào những dự án sai phạm. Trong trường hợp dự án vi phạm, CĐT “treo” sổ hồng, người dân có thể khởi kiện.