Mất cân bằng giới tính tăng nhanh

Số liệu mới nhất năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay là 115,1 trai/100 gái. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), nguy cơ “ế vợ” của hàng triệu đàn ông Việt Nam trong tương lai phải được giải quyết từ việc điều chỉnh mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay là 115,1 trai/100 gái. Ảnh: SONG ANH
Tỷ lệ giới tính khi sinh ở nước ta hiện nay là 115,1 trai/100 gái. Ảnh: SONG ANH

Theo đánh giá của Quỹ Dân số LHQ tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối lo ngại ngày càng tăng tại một số quốc gia châu Á, là một trong những thách thức to lớn của công tác dân số nên cần được các nhà quản lý, các nhà khoa học quan tâm giải quyết.

Tại Hội nghị tập huấn các vấn đề mới của Nghị quyết 21/NQ-TW với giới truyền thông vừa diễn ra tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Tổng cục trưởng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế đã báo động về tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo số liệu, mức chuẩn sinh học bình thường là 105 trẻ trai/100 trẻ gái chào đời, tuy nhiên hiện tỷ lệ mất cân bằng này đang tăng dần, đặc biệt ở các tỉnh khu vực phía bắc. Sơn La là tỉnh đứng đầu về tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh với 120 trẻ trai/100 trẻ gái. Bốn tỉnh tiếp theo là Hưng Yên 118,6 trai/100 gái; Bắc Ninh 117,6 trai/100 gái; Thanh Hóa 117,2 trai/100 gái; Hải Dương 116,3 trai/100 gái...

Việc gia tăng tỷ số giới tính khi sinh dẫn tới những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, an ninh chính trị... khi các nam, nữ thanh niên bước vào độ tuổi kết hôn. Trong khi đó, từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số. Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học cũng như Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Theo đó, Việt Nam mất từ 15 - 20 năm di chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang dân số già, trong khi đó, hệ thống y tế, an sinh xã hội chưa kịp thích ứng vấn đề già hóa dân số cũng như chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. “Trong mấy thập kỷ, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 52 - 53%, nam giới 47 - 48% và được duy trì khá ổn định. Tuy nhiên, hiện nay nếu không có sự can thiệp kịp thời, đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 - 4,3 triệu phụ nữ”, bà Lan nhấn mạnh.

Ths Đỗ Thị Hồng, Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ) phân tích, việc mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng. Không những thế, tình trạng “dư thừa” nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận đàn ông phải kết hôn muộn và nhiều người không có khả năng kết hôn. “Hiện tượng này sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn, bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…”.

Được biết, Tổng cục DS-KHHGĐ đang tiếp tục triển khai Đề án giảm mất cân bằng giới tính khi sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 với tất cả giải pháp đồng bộ. Hiện đã có 59/63 tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Chính phủ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025 của địa phương, nhằm tích cực triển khai các hoạt động can thiệp để kiềm chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuy nhiên, theo các đại biểu, quan trọng nhất là truyền thông về hậu quả của bất bình đẳng giới và mất cân bằng giới tính khi sinh đến với người dân. Đồng thời, cần phối hợp với các cấp để triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính khi sinh.

“Chúng tôi cũng đã có sự cam kết của cơ sở y tế trong việc không cung cấp giới tính thai nhi, không lựa chọn giới tính thai nhi cũng như phá thai vì lý do lựa chọn giới tính. Ngoài ra, cũng có những giải pháp truyền thông để tôn vinh giá trị của phụ nữ và trẻ em gái, cũng như một số chương trình hỗ trợ những gia đình sinh con một bề”, Phó Vụ trưởng Truyền thông - Giáo dục cho hay.