Mặt bằng kinh doanh... vắng khách thuê

Dịch Covid-19 khiến giá cho thuê mặt bằng dù đã giảm đáng kể nhưng người thuê và người cho thuê vẫn khó tìm được tiếng nói chung. Ế ẩm mặt bằng cho thuê tiếp tục là thực trạng chung ở hầu khắp các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô.

Mặt bằng cho thuê cửa hàng tại Hà Nội đã giảm giá sâu nhưng vẫn không có người thuê. Ảnh: HẢI NAM
Mặt bằng cho thuê cửa hàng tại Hà Nội đã giảm giá sâu nhưng vẫn không có người thuê. Ảnh: HẢI NAM

Khó khăn chưa ngừng

Sau một năm kể từ ngày dịch Covid-19 bùng phát, thị trường mặt bằng cho thuê tại Hà Nội đã giảm sâu và không cho thấy dấu hiệu khởi sắc, nhất là khi dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn như hiện nay. Vì thế, cứ ngay sau khi xuất hiện ca nhiễm ở đâu đó, nhiều khu phố vốn sầm uất bỗng trở lên vắng lặng do thực hiện cách ly theo chỉ đạo phòng, chống dịch. Điều này xảy ra nhiều lần khiến những chủ nhà có mặt bằng cho thuê dù đã giảm giá tới 50%, nhưng người đi thuê mặt bằng kinh doanh thời điểm này vẫn đếm trên đầu ngón tay. Nhiều chủ nhà cho biết, dù có giảm hay giảm sâu hơn nữa thì lượng khách thuê cũng không có, bởi rất ít người dám mạo hiểm mở cửa hàng kinh doanh giai đoạn này.

Ông Trần Văn Đức, chủ một cửa hàng cho thuê trên phố Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm) cho biết, lượng người hỏi thuê mặt bằng rất ít dù giá thuê đã giảm tới 50% trong sáu tháng. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, người thuê trả lại cửa hàng do kinh doanh không có lãi. Sau nhiều tháng treo biển cho thuê, ông cũng không hy vọng nhiều và có thể phải mất chừng một năm nữa thì mặt bằng cho thuê mới ổn định. Chưa bao giờ mặt bằng cho thuê lại phải đi tìm khách thuê khó khăn đến vậy.

Ông Đức không phải là người duy nhất có mặt bằng cho thuê mà không tìm được khách thuê. Nếu như trước kia, bất động sản phố cổ thậm chí được coi là đất “kim cương” thì sau những đợt dịch bất chợt và liên tiếp, giá cho thuê mặt bằng phố cổ trung bình đã giảm từ 30 - 50% nhưng vẫn không có người thuê. Không chỉ khu vực trung tâm nội đô vắng bóng, mà ngay cả các khu vực lân cận như quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông… trước khi dịch bệnh xuất hiện, giá cho thuê, sang nhượng mặt bằng khá cao thì sau một năm, giá thuê tại những khu vực này cũng đã sụt giảm đáng kể.

Trên hầu khắp các tuyến phố, tình trạng treo biển “Cho thuê mặt bằng”, “Cho thuê cả tòa nhà” đang diễn ra khá nhiều. Không ít địa điểm mặt bằng tại các trung tâm thương mại, khu phố lớn như phố Huế, Thái Hà, Kim Mã… liên tục cửa đóng then cài và treo biển giảm giá sâu nhằm hỗ trợ ảnh hưởng do dịch bệnh, nhưng lượng khách thuê vẫn thưa thớt.

Chờ ngày phố đông trở lại

Sau một năm kinh tế sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh, tình trạng ế ẩm là thực trạng chung của hầu hết cửa hàng kinh doanh từ lớn đến nhỏ lẻ. Sức mua giảm khiến nhà đầu tư không dám mạo hiểm thuê mặt bằng mở cửa hàng vì chi phí quá lớn. Thêm nữa, dịch Covid-19 khiến thói quen tiêu dùng của khách hàng thay đổi và phần lớn chuyển từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang mua online. Vậy nên, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh mặt phố ngày càng ít và không còn được quan tâm như trước. Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công cuộc chuyển đổi số, nhiều hộ kinh doanh không chọn thuê mặt bằng phố lớn để mở cửa hàng mà bán hàng online thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo, website… Thực tế, đây đang là xu hướng thương mại được nhiều người hướng đến, phù hợp thời buổi công nghệ 4.0 và ứng dụng công nghệ số đang phát triển.

Trưởng bộ phận nghiên cứu Công ty Savills Việt Nam Võ Khánh Trang cho biết, số lượng mặt bằng chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, nhưng tốc độ phủ kín rất chậm do ảnh hưởng của đại dịch. Trong tình cảnh này, xu hướng chuyển đổi sang thương mại điện tử vẫn tiếp tục diễn ra, đặc biệt tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch. Việc mở cửa cho người nước ngoài chưa được thực hiện trở lại đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế, trong đó một bộ phận kinh doanh tại các trung tâm lớn phải gánh hậu quả. 

Đến nay, tình trạng mặt bằng bán lẻ “mỏi mắt” tìm người thuê không chỉ diễn ra ở những khu vực, tuyến đường trung tâm Thủ đô, mà ngay tại các quận, huyện ngoại thành, mặt bằng nhỏ lẻ cũng khó tìm khách thuê. Đây được xem là hiệu ứng domino khi dịch bệnh ảnh hưởng mọi mặt đời sống xã hội, cùng với đó là xu hướng tiêu dùng thay đổi khiến người dân thắt chặt chi tiêu, dẫn đến sự sụt giảm của nền kinh tế, hàng hóa tiêu dùng và mặt bằng bất động sản cho thuê…

Giới chuyên gia bất động sản cho rằng, phải mất thêm một quãng thời gian nữa thị trường mới có thể lấy lại đà phục hồi. Trong giai đoạn hiện nay, cả người kinh doanh lẫn người có mặt bằng cho thuê buộc phải tìm các phương án đối phó. Kinh doanh online là một phương án hữu hiệu được các bên lựa chọn vào lúc này. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm tốt để đánh giá lại thị trường bán lẻ, tìm kiếm phương thức kinh doanh kiểu mới, bởi những giá trị cung cầu đã bị chênh lệch quá xa so giá trị thực.