Lúng túng với xử lý úng ngập

Vào mùa mưa bão, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh lại đối mặt cảnh ngập lụt. Điều đáng nói, tình trạng này đến nay vẫn là bài toán nan giải, bởi ở một số khu vực các giải pháp ứng phó đều chưa mang lại hiệu quả.

Mỗi lần mưa lớn, nhiều tuyến đường tại Hà Nội lại đối mặt tình trạng ngập úng.
Mỗi lần mưa lớn, nhiều tuyến đường tại Hà Nội lại đối mặt tình trạng ngập úng.

1/ Trong nhiều năm nay, mỗi lần Hà Nội bước vào mùa mưa, bão thì cũng là lúc người dân Thủ đô phải gồng mình ứng phó các tuyến đường bị chìm sâu trong nước. Trong hoàn cảnh ấy, nhiều phương tiện, chủ yếu là xe máy, đi lại rất khó khăn, xe ô-tô không thể di chuyển; những chuyện trôi xe, chết máy khi “đường phố hóa sông” là chuyện không hiếm.

Mấy ngày gần đây, trên địa bàn thành phố đã xảy ra những trận mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến phố trung tâm bị ngập sâu trong nước, trong đó có nhiều khu vực ở hồ Hoàn Kiếm và quận Đống Đa (ngập nặng chiều 17-8, sáng 22-8). Mưa lớn liên tục, lại diễn ra trong thời gian ngắn khiến hệ thống thoát nước trên nhiều tuyến phố bị tê liệt, không kịp tiêu thoát, gây ngập úng.

Trong báo cáo nhanh về tình hình mưa ngập chiều 17-8, Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, mưa lớn tập trung từ 15 giờ 50 phút đến 16 giờ 50 phút (đợt 1), lượng mưa đo được tại nhiều khu vực lên đến 40 - 80 mm, có nơi hơn 100 mm, khiến nhiều con đường như Trần Thánh Tông, Lê Duẩn, ngã tư Hàng Bài - Hai Bà Trưng, Thợ Nhuộm, Phùng Hưng, Đường Thành, Đinh Liệt, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt… ngập sâu trong nước, có đoạn ngập quá nửa bánh xe máy. 

Khu vực hồ Hoàn Kiếm hiếm khi xảy ra hiện tượng ngập úng, nhưng vừa qua chỉ một trận mưa lớn là nơi này đã ngập. Đây là điều đáng báo động, bởi khu vực này có cốt nền cao so các khu vực khác. Nếu không được xử lý kịp thời, hiện tượng ngập úng sẽ “lây” sang các khu vực khác bởi nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”.

Nhiều khu vực khác ở TP Hà Nội cũng đang đứng trước nguy cơ ngập úng mỗi khi mưa đến, bởi mật độ xây dựng quá cao. Trong khi bề mặt được bê-tông hóa khiến nước mưa không thẩm thấu kịp, hạ tầng thoát nước lại chưa được đầu tư đồng bộ, đúng mức, không theo kịp với tốc độ đô thị hóa trên mặt đất, nên việc ngập cục bộ trên diện rộng xảy ra liên tục trong những năm qua.

Năm 2000, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD. Theo tiến độ, đến năm 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành. Dù vậy đến nay, khi có mưa lớn nhiều con đường ở Hà Nội vẫn ngập nặng.

2/ Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, hệ thống thoát nước tại các quận nội thành Hà Nội có diện tích 300 km², chủ yếu là hệ thống thoát nước chung với khối lượng quản lý theo danh mục đã được thành phố phê duyệt. Về tình trạng úng ngập khu vực nội thành, hiện nay khu vực nội thành Hà Nội còn 12 điểm thường xảy ra úng ngập, trong đó có sáu điểm không giảm được ngập. 

Để chủ động ứng phó sự cố úng ngập trong mùa mưa 2020, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, đơn vị đã hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước hiện có. Các đơn vị chức năng cũng đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ, ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông. Ngoài ra, để người dân có thể nắm bắt tình hình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn thành phố, Sở Xây dựng cũng đã nâng cấp phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh như cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, chuẩn bị kịch bản điều hành cho từng tình huống, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố… nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ngập lụt mùa mưa. 

Thời gian qua, TP Hà Nội đã có rất nhiều cố gắng trong việc cải thiện tình hình mưa ngập, tuy nhiên kết quả chưa được như mong muốn. Để giải quyết vấn đề này, các chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng cần phải có giải pháp đồng bộ, từ việc quy hoạch xây dựng trên mặt đất và cải thiện hệ thống thoát nước theo đường ống dưới mặt nước. Bên cạnh đó, TP Hà Nội cần có thêm nhiều hồ điều hòa trong nội thành để bảo đảm chứa nước trong thời gian ngắn khi có mưa về, giảm tải cho hệ thống thoát nước trong lúc cao điểm. Cùng với đó là cải tạo nâng cấp, bổ sung hệ thống tiêu thoát nước phù hợp quy mô công trình…