“Lối thoát” cho chung cư Đống Đa

Trải qua hơn 40 năm đưa vào hoạt động, khu chung cư Đống Đa (phường Phú Nhuận), nằm ngay trung tâm TP Huế hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa cuộc sống của hàng trăm cư dân. Chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đang lên phương án, cải tạo lại để bảo đảm an toàn, tính mạng cho người dân, qua đó chỉnh trang bộ mặt đô thị.

Khu chung cư đang xuống cấp đe dọa sự an toàn của người dân.
Khu chung cư đang xuống cấp đe dọa sự an toàn của người dân.

Xuống cấp nghiêm trọng

Theo hồ sơ, khu chung cư Đống Đa bao gồm năm dãy nhà có ký hiệu A, B, C, D, E được xây dựng vào đưa vào sử dụng từ giai đoạn những năm 1979 đến 1988. Chung cư này trước đây được tỉnh Bình Trị Thiên bố trí cấp cho đội ngũ cán bộ, những người có công với cách mạng, hiện có 219 hộ đang sinh sống và kinh doanh buôn bán tại đây. Cụ thể, nhà A được đưa vào sử dụng năm 1979, xây năm tầng có 80 căn hộ; nhà B đưa vào sử dụng năm 1980, xây ba tầng có 54 căn hộ; nhà C được đưa vào sử dụng năm 1983, xây ba tầng có 27 căn hộ; nhà D sử dụng năm 1985, xây năm tầng, 34 căn hộ và nhà E được đưa vào sử dụng năm 1988, xây hai tầng với 24 căn hộ.

Trải qua chừng ấy thời gian, công trình được cơ quan chức năng đánh giá xuống cấp nghiêm trọng, công năng lạc hậu, các hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống với tiện nghi thấp, không an toàn. Điều này còn kéo theo môi trường sống chung quanh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. Trong số đó, nhiều hộ lấn chiếm, xây dựng trái phép, đặc biệt tại nhà A một số hộ còn tháo dỡ tường chịu lực để cải tạo thành nơi kinh doanh, buôn bán với bàn ghế, xe đỗ lấn chiếm vỉa hè mất an ninh, trật tự.

Theo kế hoạch, thời gian thực hiện cải tạo khu chung cư Đống Đa kéo dài từ năm 2020 đến năm 2024, trước mắt tập trung vào ba dãy nhà A, B, C. Theo kết quả kiểm định, các dãy nhà A, B, C đều có niên hạn hơn 40 năm trong khi hạn sử dụng tối đa là 50 năm, nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Ngoài ra, hệ thống phòng cháy chữa cháy ở các tòa nhà cũng không bảo đảm quy định vì tuyến đường giao thông cho xe chữa cháy đi vào khi có sự cố đã bị người dân cơi nới, lấn chiếm xây nhà trái phép. 

Ông Vương Đình Hòa, đang sống ở dãy nhà C cho biết, trải qua thời gian cũng như ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, việc xuống cấp là điều hiển nhiên nên những người sống ở đây gặp nhiều khó khăn, bất tiện. “Nhiều hộ ở đây có vài thế hệ, đông con cái sống chung và vẫn biết xuống cấp, hư hỏng nhưng cũng phải chấp nhận”, ông Hòa nói. Mong muốn của ông Hòa cũng như nhiều hộ gia đình khác là việc cải tạo, xây dựng được triển khai càng sớm càng tốt.

Đồng ý với chủ trương làm mới

Trước những bất an đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập dự án, kêu gọi đầu tư xây dựng mới dãy A, B, C. Trong quá trình triển khai, chính quyền đã triển khai nhiều buổi đối thoại, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân. Hầu hết các hộ dân đều đồng ý với chủ trương cải tạo, xây dựng mới. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cần có cơ chế chính sách cho người có công, chọn lựa nhà đầu tư có tiềm lực, thi công đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. 

Bà Nguyễn Thị Thúy Vân, sống tại dãy B thừa nhận tình trạng xuống cấp đã ảnh hưởng đến an toàn của mỗi gia đình cũng như cảnh quan khu vực, vì thế bà cũng như các hộ ở dãy B rất đồng tình với chủ trương cải tạo, xây dựng của tỉnh. “Tôi cũng như các chủ hộ khác mong tỉnh phải chọn chủ đầu tư có năng lực kinh tế, bảo đảm đúng tiến độ như cam kết và hạn chế thiệt hại trong những ngày tạm di dời của bà con”, bà Vân mong muốn.

Theo phương án bồi thường, tái định cư từ Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, các hộ gia đình từ ba dãy cũ sẽ được bố trí tái định cư tại căn hộ mới có diện tích sử dụng tối thiểu không nhỏ hơn 30 m² sàn. Trong thời gian này, các hộ dân sẽ được nhận hỗ trợ hai triệu đồng/tháng để bảo đảm cuộc sống. Những hộ đang ở tầng một nhà chung cư cũ sẽ được ưu tiên xem xét cho thuê diện tích kinh doanh tại khu vực của dự án với thời gian thuê dài hạn và giá thuê do UBND tỉnh quy định. Những hộ không có nhu cầu tái định cư sẽ được chủ đầu tư thanh toán theo giá thương lượng với chủ căn hộ.

Từng đối thoại, tìm giải pháp với người dân sống ở khu chung cư Đống Đa đầu năm 2021, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, những ý kiến của bà con sẽ được các bên tiếp thu để tìm phương án tốt nhất dựa trên quy định của pháp luật. Riêng những gia đình chính sách, người có công sẽ được quan tâm hơn trong việc thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Bàn về việc hỗ trợ di chuyển, tạo an cư đối với các gia đình, cá nhân chủ sở hữu căn hộ, ông Thọ khẳng định sẽ trao đổi với nhà đầu tư để hỗ trợ tốt nhất cho người dân. Ngoài ra, chính quyền cam kết sẽ đồng hành, sát cánh trong quá trình cải tạo xây dựng mới nhằm bảo đảm mục tiêu xây dựng công trình chất lượng, bảo đảm tiến độ, phù hợp cảnh quan đô thị nhằm sớm tạo lập cho người dân một nơi ăn chốn ở ổn định, đẹp đẽ, khang trang hơn.

Sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ nền chung cư A, B,C cũ sẽ được tiến hành cải tạo, xây dựng thành ba khối nhà mới. Theo đó, khối nhà A vẫn sẽ cao năm tầng, gồm bốn đơn nguyên với 80 căn hộ; khối nhà B cao ba tầng, gồm ba đơn nguyên với 54 căn hộ; khối nhà C cao ba tầng, gồm ba đơn nguyên với 27 căn hộ. Thời gian thực hiện dự án là 36 tháng, trong đó thời gian xây dựng hoàn thành dự án kể từ ngày nhà đầu tư nhận được mặt bằng sạch tối đa là 30 tháng. Dự kiến đến quý IV năm 2023 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng.