Lo ngại nước sạch ở chung cư

Những ngày qua, câu chuyện nước sinh hoạt nhiễm bẩn trở thành vấn đề đau đầu đối với người dân Thủ đô. Tuy nhiên, trên thực tế, nguồn nước sinh hoạt ở nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội vốn đã có vấn đề từ lâu, song vẫn chưa được giải quyết.

Người dân phải trang bị thêm hệ thống lọc nước do nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Ảnh: NGỌC THI
Người dân phải trang bị thêm hệ thống lọc nước do nguồn nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng. Ảnh: NGỌC THI

Nước bẩn bủa vây

Gần đây, nhiều cư dân sinh sống tại cụm chung cư The Sparks thuộc Khu đô thị Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) liên tục phản ánh về việc nguồn nước sinh hoạt tại đây bị ô nhiễm trong thời gian dài nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Dù phải đóng tiền hằng tháng để được sử dụng nước sạch nhưng kết quả người dân nhận được lại là nước không sạch. Điều khiến nhiều cư dân bức xúc, lo lắng nhất là thỉnh thoảng nước sinh hoạt xả ra từ các vòi sen, chậu rửa đục ngầu, thậm chí chuyển sang mầu đen hay mầu cà-phê và không thể sử dụng. Được biết, nguồn nước đang được hàng nghìn cư dân tại đây sử dụng hằng ngày do phía chủ đầu tư là Công ty TNHH Quản lý & Dịch vụ Khu đô thị Nam Cường ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông.

Ông Nguyễn Văn Cường, sống tại tòa CT7, Khu đô thị Dương Nội cho biết: “Tình trạng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm được cư dân phát hiện từ tháng 2 năm nay, có hôm xả ra nước đen sì kèm theo nhiều cặn bẩn. Nước nhiễm bẩn khiến cư dân chúng tôi không ai dám sử dụng trực tiếp mà phải tự bỏ hàng chục triệu đồng để lắp đặt, mua sắm các máy lọc nước. Tuy nhiên, do nước không bảo đảm nên máy lọc nước cũng chỉ sử dụng được một thời gian ngắn là phải thay lõi nên rất tốn chi phí”.

Trước khi mở bán khu chung cư cao cấp Hòa Bình Green City (505 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng), chủ đầu tư từng quảng cáo đây là chung cư đầu tiên tại Việt Nam lắp đặt hệ thống nước tinh khiết RO công suất 40 m3/giờ. Nghĩa là, cư dân chung cư này có thể yên tâm sử dụng nước trực tiếp từ vòi mà không cần phải qua hệ thống lọc nước riêng hoặc đun sôi tiệt trùng. Vậy nhưng sau vài năm, hàng trăm cư dân tại tòa nhà H2 của chung cư đã phải có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng do phải dùng nước bẩn sinh hoạt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống cũng như sức khỏe.

Thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội còn có nhiều chung cư phải sử dụng nguồn nước kém chất lượng, như CT9-Khu đô thị mới Định Công, quận Hoàng Mai; Sông Hồng Parkview 165 Thái Hà, quận Đống Đa; Chung cư Meco Complex, 102 Trường Chinh, quận Đống Đa… Để bảo đảm duy trì các hoạt động sinh hoạt, người dân phải tốn một khoản kinh phí mua nước sạch từ bên ngoài, các loại nước đóng chai để sử dụng. Đối với những hộ gia đình có kinh tế eo hẹp thì đây là mối lo ngại hằng ngày, bởi khó có điều kiện để mua nước đóng bình trong thời gian dài.

Lỗ hổng quản lý

Hiện nay, hầu như nước sinh hoạt tại các chung cư sử dụng chủ yếu lấy từ ba nguồn là nước mặt (sông, suối, ao, hồ…), nguồn nước cung cấp chính (giếng đào, giếng khoan) và nước mưa. Trong đó, nguồn nước mặt phải đối diện tình trạng nước bẩn thải tràn lan khi các doanh nghiệp, nhà máy cung cấp nước sạch… chưa xử lý đúng cách.

Những vụ việc nêu trên cho thấy có quá nhiều lỗ hổng về quản lý nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước mặt. PGS, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Tài nguyên môi trường & Phát triển cộng đồng cho biết, hệ thống pháp luật hiện quy định khá đầy đủ về môi trường, ô nhiễm, xử lý môi trường. Vấn đề quy hoạch, điều kiện, tiêu chuẩn của vùng nước vào đầu nguồn, khi lấy nước mặt thì thế nào và lấy nước ngầm được thực hiện ra sao… đã có hết trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhưng chúng ta chưa thực hiện quyết liệt.

Về quy hoạch nguồn nước, PGS An cho biết, đang kiến nghị cần có sự giám sát của Quốc hội đối với các vấn đề liên quan nguồn nước, bắt đầu từ quy hoạch và sau đó là chất lượng nước. Đây là những việc lớn nhưng lại thiếu sự giám sát, kiểm tra. Thậm chí, cơ quan quản lý cũng chưa bao giờ báo cáo Quốc hội là ở đâu thực hiện đúng quy hoạch, các công việc của công ty kinh doanh nước có đúng quy hoạch, quy chuẩn không? Trong khi trách nhiệm của họ là phải kiểm tra và báo cáo, thậm chí là báo cáo định kỳ hoặc đột xuất do hoạt động kinh doanh nước là kinh doanh có điều kiện nên rất đặc thù. Khi xảy ra vụ việc Công ty CP nước sạch sông Đà cung cấp nước nhiễm bẩn thì mới thấy lỗ hổng về quản lý.

“Ô nhiễm môi trường và ô nhiễm nguồn nước là vấn đề vô cùng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận bởi nó gắn liền sự sống của con người và sự phát triển của đất nước. Theo tôi, cần loại bỏ các nhà đầu tư không đủ năng lực, không trung thực hoặc gian dối trong kinh doanh”, PGS An cho biết.

Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11-7-2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch quy định: Các đơn vị cấp nước phải bảo đảm chất lượng nước đến vị trí đồng hồ tổng trước khi chảy vào hệ thống bể ngầm của các chung cư; việc vệ sinh hệ thống cấp nước sau đồng hồ tổng do một hoặc nhiều đơn vị tham gia quản lý, chịu trách nhiệm, có thể do chủ đầu tư tòa nhà, ban quản trị, ban quản lý tòa nhà hoặc cộng đồng tự quản lý...