Lại chuyện quảng cáo... dạo

Việc tiếp thị, mở rộng thông tin về sản phẩm kinh doanh tới khách hàng là điều cần thiết. Tuy nhiên, hành vi quảng cáo bừa bãi trên đường phố lại làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và đây là một câu chuyện dài chưa dứt.

Tủ điện thường bị dán nhiều quảng cáo, rao vặt rất nhếch nhác.
Tủ điện thường bị dán nhiều quảng cáo, rao vặt rất nhếch nhác.

1/ Tại ngã tư đường, hai thanh niên khẩu trang kín mít lao ra mấy chục chiếc xe vừa dừng chờ đèn giao thông. Trên tay họ là một xấp tờ rơi quảng cáo của một dự án bất động sản nào đó năn nỉ người được tiếp cận cầm giúp. Ngay sau thanh niên này là một cô gái khá trẻ, có lẽ là sinh viên, đưa tờ giấy và cũng năn nỉ người đi đường nhận. Hết đèn đỏ, các xe lăn bánh cũng là lúc từng tờ quảng cáo xanh, đỏ rơi ra đường.

Chị Nguyễn Thị Trang (quận Hai Bà Trưng) cho biết, chị thường hay nhận tờ rơi quảng cáo và… nhét vào túi, đến cơ quan hay về nhà mới bỏ vào thùng rác. “Tôi thấy mấy người làm nghề phát tờ rơi ở ngã tư giữa trời nắng cũng vất vả, hay nhận thêm vài tờ để người ta được nghỉ sớm, chứ tôi chẳng có nhu cầu xem mấy tờ quảng cáo đó làm gì”, chị nói.

Ngoài lượng tờ rơi tăng dần theo cấp số nhân mỗi ngày của các dịch vụ mới mở, không gian đô thị còn bị xâm lấn bởi vô vàn các loại rác quảng cáo khác. Đó là các tờ rơi dạng dán có mặt trên khắp nẻo đường, ngõ phố. Bất cứ bức tường trống, tường nhà, cột điện, gốc cây, đèn tín hiệu giao thông, trạm chờ xe bus… nào đều trở thành địa điểm lý tưởng của lực lượng dán thuê tờ quảng cáo. Ở bất cứ đâu, người ta cũng dễ dàng thấy các ấn phẩm quảng cáo, từ quy mô lớn đến rao vặt manh mún và nhỏ lẻ.

Kiểu quảng cáo không mất tiền này được treo, dán... vô tội vạ. Nội dung thì đa dạng đủ ngành nghề, từ tuyển nhân viên bán hàng, thợ may gia công, thợ thêu vi tính, đến dạy học Anh văn cấp tốc, bán đất, bán nhà mới xây, cho thuê phòng trọ, cho vay trả góp, tìm giấy tờ, hút hầm cầu, áp-phích các chương trình ca nhạc… Không chỉ dán tất tần tật các quảng cáo trên các cột, mặt phẳng dễ nhìn thấy, nhiều thông tin quảng cáo còn được treo, dán ngang nhiên che cả biển cảnh báo giao thông dọc hai bên đường.

Hiệu quả của hoạt động quảng cáo rẻ tiền và bừa bãi này chưa biết đến đâu nhưng hậu quả trước mắt chính là khiến đô thị bị bôi bẩn, kém mỹ quan, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nếp sống văn minh của cộng đồng dân cư. Ông Vinh (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) bức xúc: “Bây giờ là thời đại nào rồi mà nhiều người còn cố tình quảng cáo kiểu như này. Họ cứ mặc nhiên không nghĩ rằng hành vi đó đang bôi bẩn đường phố, ảnh hưởng người khác”.

2/ Không ít lần, TP Hà Nội tích cực ra quân dẹp quảng cáo rác trong hoạt động chung của phong trào “Ngày chủ nhật xanh” nhằm trả lại bộ mặt sạch, đẹp cho phố phường. Các lực lượng địa phương như cán bộ phường, xã, lực lượng dân quân tự vệ, thanh niên tình nguyện cũng được huy động để tháo gỡ các tờ quảng cáo, sơn lại những nơi bị vẽ quảng cáo. Tuy nhiên, lực lượng tháo gỡ có hạn mà lực lượng dán, vẽ quảng cáo thuê lại quá nhiều, nên tháo gỡ không xuể. Cứ sáng tháo, chiều xuất hiện, nay sơn lại tường, mai lại bị vẽ chặn lên… Do đó, việc tận dụng nhân lực địa phương để tháo gỡ rác quảng cáo là sự tốn kém nhân lực vô ích.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 121 và Nghị định 158 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch quy định: Phạt tiền đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng. Phạt từ 1.000.000 - 2.000.000 đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo...

Như vậy, chế tài đã có và đủ nghiêm để có thể xử lý các hành vi vi phạm nêu trên. Có điều, dù quy định là vậy nhưng hành vi quảng cáo bừa bãi nơi công cộng rất hiếm khi bị xử lý. Trong khi, nếu cơ quan chức năng muốn tìm ra chủ thể để xử phạt thì quá dễ dàng, bởi các tờ rơi, bảng quảng cáo tự thân đã cho biết rõ địa chỉ liên lạc, số điện thoại, loại hình kinh doanh trên bảng quảng cáo.