Không để ai bị bỏ lại phía sau

Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, đời sống nhiều người dân đang bị tác động nặng nề. Trong bối cảnh ấy, việc kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ sẽ giúp họ vượt qua thời điểm đầy thử thách này.

Hỗ trợ người nghèo gặp khó khăn là việc làm cần thiết trong thời điểm này.
Hỗ trợ người nghèo gặp khó khăn là việc làm cần thiết trong thời điểm này.

Những việc làm ý nghĩa

Chị Hiền, quê ở Vĩnh Phúc xuống Hà Nội làm công nhân xưởng may tại quận Bắc Từ Liêm. Dịch Covid-19 hoành hành, công ty thiếu nguyên liệu đã tạm thời dừng sản xuất và cho công nhân nghỉ việc. Công ty dừng hoạt động, chị đành nghỉ ở nhà. Chồng chị đang làm trong khu công nghiệp cũng chỉ đi làm nửa ngày. Hai vợ chồng và cô con gái nhỏ thuê trọ trong căn phòng hơn 10 m², tình hình kinh tế vốn đã khó khăn nay lại gặp nhiều khó khăn hơn. Lo lắng, sốt ruột là tâm trạng của chị Hiền cũng như nhiều người lao động nghèo khác vào lúc này.

Nhằm chia sẻ khó khăn với người nghèo tại thời điểm này, rất nhiều việc làm thiết thực như cấp phát miễn phí lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết cho người nghèo được thực hiện rộng rãi ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trong cả nước, thể hiện tấm lòng sẻ chia, giúp đỡ đồng bào. “Đây là lúc những người lao động phổ thông, người vô gia cư không có thu nhập cần được giúp đỡ hết mức có thể. Một suất cơm không là gì nhưng cũng là một bữa ăn, sẽ phần nào giúp người có hoàn cảnh khó khăn qua được nỗi lo lắng tạm thời để mọi việc không quá bi đát. Mong tất cả đều bình tâm cùng chung tay chống dịch, không lo lắng đói khổ để có thể giúp cả nước sớm vượt qua cơn đại dịch”, một tình nguyện viên cấp phát thực phẩm miễn phí trên đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.

Ngoài tặng lương thực, nhu yếu phẩm, các “mạnh thường quân” cũng tiếp tục tặng khẩu trang, nước rửa tay… cho người nghèo để họ cùng chung tay chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh lây lan, việc cung cấp miễn phí những bữa ăn, lương thực hằng ngày là những hành động đẹp bắt nguồn từ sự tử tế, thể hiện tinh thần tương thân, tương ái của người Việt trong lúc gặp nguy nan, khốn khó.

Có câu nói “Của cho không bằng cách cho” nên những phần thức ăn, đồ dùng có thể không lớn về mặt vật chất nhưng nhờ những lời nhắn, động viên ấm áp mà trở nên tốt đẹp và đầy ý nghĩa hơn. Từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh, thành phố trên cả nước, cảnh tượng này khiến nhiều người bỗng thấy ấm lòng, vui lạ giữa mùa dịch.

Không ai bị bỏ rơi

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay cả nước ghi nhận khoảng 19% số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động sản xuất, thu hẹp quy mô. Bên cạnh đó, 98% số lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% số lao động ngành vận tải, da giày, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc và 98% số lao động hàng không tạm nghỉ việc. Dự báo trong tháng 4, tháng 5 nếu dịch bệnh còn phức tạp, ước tính khoảng hai triệu lao động ngừng việc, mất việc làm. Trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.

Trước tình cảnh cấp bách hiện nay, Nhà nước đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Theo đó, gói hỗ trợ trị giá khoảng 62 nghìn tỷ đồng được hướng tới 20 triệu người thuộc bảy nhóm đối tượng, trong đó sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ từ ngân sách, một nhóm đối tượng doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi 0% để hỗ trợ.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, với số kinh phí lớn, đối tượng thụ hưởng rộng, quá trình triển khai sẽ khó tránh sai sót, nhưng quyết không để số tiền này đi lạc đường. Hiện tại, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp các bộ, ban, ngành khác hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về quy trình, quy chuẩn, điều kiện, trình tự, thủ tục triển khai đối với từng đối tượng, thành phần được hỗ trợ. Trên cơ sở quyết định của Thủ tướng, các bộ, ngành sẽ ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện.

Một vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là trường hợp những lao động tự do mất việc làm, vốn là đối tượng dễ bị bỏ sót nhất, sẽ làm thế nào để thống kê và chứng minh hoàn cảnh. Họ phần lớn là những người bán hàng rong, bán vé số, người đi rửa bát thuê, nhặt ve chai, xe ôm, bốc vác… từ các tỉnh lẻ về thành phố mưu sinh. Trong số ấy, có không ít người không kịp về quê vì nhiều lý do, vậy địa phương nào sẽ “điểm danh” họ? Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất, việc hỗ trợ người lao động tự do sẽ chủ yếu do chính quyền nơi thường trú thực hiện hoặc có thể nhận ở nơi cư trú.

Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, việc ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động… có ý nghĩa vô cùng lớn trong việc bảo đảm an sinh, góp phần giữ vững ổn định xã hội, đồng thời thể hiện cam kết một “Chính phủ hành động” như phương châm nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ.