Khoảng trống không gian ngầm

Ùn tắc giao thông, quá tải hạ tầng, ô nhiễm khói bụi… là những vấn đề TP Hà Nội cần phải giải quyết từ nhiều năm nay để hướng tới sự phát triển bền vững. Dẫu vậy, đến nay thành phố vẫn khó khăn trong việc tìm lời giải cho bài toán này.

Hệ thống giao thông ngầm ở Thủ đô còn hạn chế.
Hệ thống giao thông ngầm ở Thủ đô còn hạn chế.

1/ Hơn 20 năm qua, diện mạo đô thị tại Hà Nội đã thay đổi chóng mặt. Tốc độ đô thị hóa cao khiến lượng số lượng các loại phương tiện giao thông gia tăng, thành phố thiếu bãi đỗ xe trầm trọng, nên một loạt bãi đỗ xe tự phát xuất hiện, lấn chiếm hành lang giao thông và phần vỉa hè dành cho người đi bộ. Thế nhưng, trong khi trên mặt đất chật chội thì diện tích không gian ngầm dưới lòng đất tại các đô thị gần như chưa được khai thác sử dụng, dẫn đến lãng phí hoặc không phát huy hiệu quả. Thực tế, tại một số trung tâm thương mại như Times City, Royal City, Vincom Mega Mall… đã xuất hiện những không gian ngầm, mang lại hiệu quả sử dụng khá lớn nhưng số lượng còn thấp so mặt bằng chung.

Để giải quyết tình trạng trên, Hà Nội đã thực hiện một số công trình nút giao thông ngầm như hầm Kim Liên, hầm chui Nguyễn Trãi - Thanh Xuân, hầm chui trước Trung tâm Hội nghị quốc gia và một số bãi xe ngầm, tầng hầm tại các công trình khách sạn, trung tâm thương mại…, phần nào giúp giải tỏa ách tắc giao thông đô thị. Tuy nhiên, vì thiếu quy hoạch tổng thể nên đến nay hệ thống giao thông ngầm ở khu vực nội đô vẫn manh mún và chưa phát huy hiệu quả rõ rệt. Theo giới chuyên gia quy hoạch, việc phát triển không gian ngầm sẽ mang lại nhiều tiện ích giao thông lớn, song cần một nguồn lực căn bản để phát triển quy hoạch chi tiết, thu hút nhà đầu tư, đồng thời tránh xảy ra tình trạng quy hoạch treo, rồi bỏ hoang.

Trong đồ án Quy hoạch phân khu đô thị (nội đô lịch sử) tại bốn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng được thành phố công bố mới đây đã đặt ra các giải pháp về phát triển không gian ngầm. Theo đó, đồ án xác định thực hiện theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050 và các dự án đầu tư được cấp thẩm quyền phê duyệt; phát triển đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng, bao gồm năm tuyến đường sắt đô thị chạy qua và 22 nhà ga đã được quy hoạch trên địa bàn bốn quận nội thành trung tâm. Từ đó, định hướng sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm, giảm mật độ xây dựng tại những khu vực hạn chế chiều cao. TP Hà Nội cũng sẽ xây dựng 89 bãi đỗ xe, trong đó 38 bãi cao tầng, 51 bãi ngầm kết hợp quảng trường, cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí. Riêng khu vực phố cổ, nếu xây dựng tầng hầm phải bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ, an toàn PCCC… khi khai thác sử dụng.

2/ Đối với những đô thị đang phát triển như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vấn đề phát triển không gian ngầm không chỉ giúp giải bài toán hạn chế về quỹ đất, không gian trong quy hoạch phát triển đô thị mà còn tạo ra giải phóng mặt bằng, không tác động nhiều đến dân cư trên mặt đất. Hiện tại, tuyến đường sắt đô thị số 3 đoạn Nhổn - Ga Hà Nội cũng đang được thi công ngầm và các nhà ga ngầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm như đường cống thoát nước, đường điện, nước, viễn thông… cũng đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, vì phát triển manh mún, nhỏ lẻ và vẫn thiếu sự gắn kết tổng thể nên những công trình ngầm đã và đang có hiện nay chỉ là các công trình đơn lẻ, mang tính cục bộ.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết, nhiều năm trước đây, thành phố đã có những dự án bãi đỗ xe ngầm được quy hoạch tại Công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, Quảng trường Nhà hát Lớn… nhưng đều không thực hiện được do có nhiều vướng mắc. Nhưng hiện nay, chúng ta đã có quy hoạch phân khu chi tiết, thành phố cần xem xét chú trọng đẩy mạnh công tác quy hoạch ngầm để phát triển một cách bài bản, đồng bộ. Không thể để tình trạng cấp phép công trình ngầm riêng lẻ, thiếu căn cứ quy hoạch mà phải xác định phát triển đô thị ngầm là xu thế tất yếu hiện nay.

Hiện nay, chính quyền đô thị cần dành sự quan tâm nhiều hơn về cơ chế, chính sách rõ ràng, đồng thời có ưu đãi đối với các nhà đầu tư, như cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình ngầm, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chính sách trả tiền thuế đất nếu xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh… Đây là một trong những chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư xây dựng các công trình ngầm dưới mặt đất khi quỹ đất nổi đang dần bị thu hẹp.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu cứ tiếp tục tình trạng đưa đi đẩy lại, trao đổi, xin ý kiến nhưng vẫn không ra quyết định, thì cuối cùng sẽ bị chậm trễ trong thực hiện xây dựng các không gian ngầm. Việc chậm trễ càng lâu thì ảnh hưởng chất lượng cuộc sống đô thị càng lớn, tình hình giao thông tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục bị ách tắc, kèm theo đó là rất nhiều vấn đề của đô thị không thể giải quyết được.