Khó khăn trong xử lý phương tiện giao thông hết hạn sử dụng

Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường hiện nay là do khí thải từ các loại xe cũ, nát lưu thông trên đường phố. Tuy nhiên, việc thu hồi, xử lý các phương tiện giao thông hết hạn sử dụng, bao gồm xe mô-tô, xe gắn máy và xe ô-tô các loại còn gặp nhiều khó khăn.

Việc xử lý xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu thông trên đường phố vẫn gặp nhiều khó khăn.
Việc xử lý xe không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để lưu thông trên đường phố vẫn gặp nhiều khó khăn.

1/ Những loại xe này, vẫn thường được gọi là “xe mù” vì không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật của một chiếc xe thông thường, như không đèn, không gương, không còi… thậm chí có xe còn không… phanh. Mỗi ngày các phương tiện này thải ra một lượng lớn khí thải độc hại ra môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân đô thị.

Một số ý kiến cho rằng, khi chưa thể hạn chế phương tiện cá nhân, cần có những biện pháp kiểm soát lượng khí phát thải từ phương tiện mô-tô, xe gắn máy. Tuy nhiên, với số lượng lên đến hàng chục triệu xe máy, trong đó rất nhiều xe máy cũ, nát được mua đi bán lại nhiều lần, không chính chủ từ tỉnh này sang tỉnh khác…, việc kiểm soát phương tiện này không phải là dễ.

Hiện nay, những văn bản pháp luật quy định về kiểm soát khí thải mô-tô, xe gắn máy sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới đã khá đầy đủ. Theo đó, từ tháng 1-2017, các phương tiện mô-tô, xe gắn máy lắp ráp và nhập khẩu mới phải đạt mức tiêu chuẩn khí phát thải ở mức Euro 3. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có Đề án kiểm soát khí thải ô-tô, xe máy được Chính phủ ban hành vào năm 2010, còn trong Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định kiểm tra khí thải mô-tô, xe gắn máy đang lưu hành. Vì thế, rất nhiều phương tiện xe máy đã quá cũ, được lắp chắp vá vẫn lưu hành và được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, từ chở hàng hóa đến chở người. Đặc biệt, khi được hỏi về giấy tờ của phương tiện thì đều nhận được câu trả lời là không còn; nếu bị cơ quan chức năng kiểm tra, giam xe thì chủ phương tiện đành chấp nhận bỏ xe, chứ tiền nộp phạt còn cao hơn giá trị xe.

Anh Phùng Văn Đức (Minh Khai, Hai Bà Trưng) cho biết, dù phương tiện đã cũ, nhưng vẫn còn vận hành tốt nên gia đình chưa muốn bỏ đi, mà bán thì chẳng được bao nhiêu tiền. Vẫn biết là khi xe lưu thông thì không an toàn, cũng như lượng khí thải thải ra môi trường lớn, song do gia đình hoàn cảnh, không có tiền để mua xe mới nên vẫn sử dụng xe cũ hằng ngày.

2/ Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 44.000 xe máy có niên hạn 30 năm; hơn 10.500 xe niên hạn hơn 40 năm; gần 480 xe niên hạn hơn 50 năm. Trong số đó, có nhiều phương tiện đã quá cũ nát, nhưng người dân tận dụng bằng việc mua các thiết bị thay thế, lắp ghép phù hợp, sửa chữa lại để sử dụng. Đáng lưu ý, các phương tiện lắp ghép này còn là một trong những khâu tiếp tay cho xe bị kẻ gian lấy trộm hoặc do phạm pháp mà có.

Trước đây, đã có không ít những vụ tai nạn giao thông mà phương tiện là những xe cũ, nát được dùng để chuyên chở gas, vật liệu xây dựng cồng kềnh song vẫn vô tư lạng lách trên phố. Phần lớn những đối tượng sử dụng phương tiện này đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Để hạn chế tình trạng này, TP Hà Nội đã đôi lần hạ quyết tâm xử lý vấn đề, nhưng rồi sự việc vẫn chưa đâu vào đâu vì vướng mắc quá nhiều, như mức phạt không đủ, còn tịch thu xe thì vướng quy định về sở hữu tài sản, chưa kể nhiều trường hợp phương tiện đó là sinh kế của người nghèo.

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng CSGT số 3 (Phòng CSGT TP Hà Nội) cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là các phương tiện xe máy chưa có quy định về niên hạn nên việc xác định các phương tiện xe máy cũ, nát không đơn giản. Mặc dù trong quá trình tuần tra, các đơn vị đã phát hiện và xử phạt nhiều xe máy cũ, nát, không bảo đảm các quy định về an toàn kỹ thuật. Đối với những xe này, CSGT chỉ xử phạt các lỗi theo quy định, chứ không thể tịch thu phương tiện, bởi đến nay chưa có văn bản nào quy định về niên hạn sử dụng xe máy.

Theo cơ quan chức năng, muốn cấm các phương tiện xe máy đã quá cũ lưu thông, trước khi có các quy định cụ thể thì nên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự thực hiện. Bên cạnh đó, việc thu phương tiện là không khả thi, vì đó là tài sản của người dân, phải có quy định bao nhiêu năm thì hết niên hạn sử dụng mới được thu mang đi tiêu hủy. Trong khi các cơ quan chức năng đang nghiên cứu để đưa ra những chế tài hợp lý, phù hợp tình hình thực tế, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy chủ động chấp hành luật giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ chính mình, người thân và gia đình.