Khó khăn quản lý khu đô thị mới

Quá trình đô thị hóa nhanh khiến Hà Nội hình thành nhiều khu đô thị (KĐT) mới với quy mô, số lượng dân cư lớn. Tuy nhiên, do số lượng dân cư tại các KĐT lớn, tập trung ở một số địa bàn nhất định nên sức ép về hạ tầng xã hội, quản lý đô thị… đang gặp nhiều khó khăn.

Mật độ nhà chung cư dày đặc và tốc độ gia tăng dân số cơ học khiến hạ tầng chịu áp lực lớn.
Mật độ nhà chung cư dày đặc và tốc độ gia tăng dân số cơ học khiến hạ tầng chịu áp lực lớn.

Dân đông, công việc tăng

Khi KĐT mới hình thành với nhiều tòa nhà lớn được bàn giao, đưa vào vận hành, chính quyền cơ sở cũng phải cáng đáng thêm một khối lượng lớn công việc trên một địa bàn dân cư lớn. Thế nhưng, thực tế đội ngũ cán bộ ở nhiều nơi vẫn không thay đổi, dẫn đến “quá tải” công việc.

Bức bí, choáng ngợp, ngột ngạt… là cảm giác của bất kỳ ai khi bước chân vào KĐT kiểu mẫu Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Với sự quy hoạch “thả nổi”, nơi đây từ một KĐT đáng sống bỗng chốc trở thành nơi lộn xộn bậc nhất ở Thủ đô. Sự xuất hiện ồ ạt các tòa chung cư hàng chục tầng mọc lên san sát kéo theo một lượng lớn người dân về ở gây áp lực lên hạ tầng giao thông, đường sá thường xuyên tắc nghẽn cục bộ vào giờ cao điểm. Với diện tích khoảng 4,85 km², gần bằng diện tích của quận Hoàn Kiếm, phường Hoàng Liệt là một trong những địa bàn có số dân đông nhất TP Hà Nội. Tính đến tháng 6-2019, trên địa bàn phường có 78 tòa nhà chung cư với khoảng 80.000 dân.

Mật độ nhà chung cư dày đặc và tốc độ gia tăng dân số cơ học chóng mặt đã khiến hạ tầng cơ sở của phường phải chịu áp lực quá lớn. Điển hình là tình trạng thiếu thốn trường học, bệnh viện, sân chơi… gây ảnh hưởng lớn chất lượng sống của người dân. Chỉ tính riêng bậc tiểu học, thời điểm hiện tại phường có hai trường, nhưng năm học 2019 - 2020 có tới 1.900 học sinh vào lớp 1, nếu sĩ số mỗi lớp trung bình là 50 - 60 học sinh, phường sẽ thiếu 40 lớp học mới đủ cho lượng học sinh trên. Thế nên, dù chính quyền đang tích cực hoàn thiện các thủ tục xây dựng thêm trường, nguy cơ thiếu chỗ học vẫn hiện hữu.

Dân số đông không chỉ gây khó cho công tác quản lý mà việc thực hiện văn minh đô thị cũng gặp nhiều khó khăn, thậm chí gần như không làm được. Hiện tại, ở KĐT bán đảo Linh Đàm, tình trạng quán cóc, ki-ốt lấn chiếm vỉa hè diễn ra vô cùng phức tạp. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm khu đất trống làm bãi đỗ xe ô-tô, tràn ra cả ngoài đường, chặn lối người đi bộ khiến người dân bức xúc, liên tục khiếu nại nhưng vẫn không cải thiện được tình hình.

Ông Nguyễn Mạnh Hà (phụ trách lĩnh vực đô thị phường Hoàng Liệt) cho biết: Khi KĐT Linh Đàm mất nước, trách nhiệm giải quyết thuộc về Ban quản trị (BQT) các tòa nhà và đơn vị cung cấp nước, nhưng người dân chỉ biết kêu lên phường và phải có sự chỉ đạo của phường, đơn vị cung cấp nước mới giải quyết. Bởi thế, phường quá tải bởi việc gì cũng “đến tay” phối hợp, chỉ đạo giải quyết. Nhân sự của phường hiện không thể làm hết được.

Nhiều bất cập

Tương tự, phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) cũng là một trong những địa bàn bùng nổ dân số bởi các tòa nhà chung cư. Trong đó, KĐT Times City đưa vào sử dụng từ năm 2012 với 11 tòa nhà, trở thành địa bàn dân cư số 23 của phường (các tòa còn lại thuộc quận Hoàng Mai) có số dân lên tới hàng chục nghìn người (khoảng 23.000 người), tương đương gần nửa dân số toàn phường Vĩnh Tuy. Dẫu dân số đông nhưng đây lại là KĐT điển hình của Hà Nội làm tốt công tác quản lý vận hành, nhất là sớm kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở từ năm 2015 với đủ cả chi bộ, tổ dân phố (TDP), các đoàn thể… Tuy nhiên, số dân của KĐT rất lớn nên công tác quản lý hành chính cũng gây khó cho chính quyền và cán bộ cơ sở.

Hiện tại, ở các KĐT trên địa bàn thành phố Hà Nội, sự biến động dân cư rất lớn, thất thường và khó quản lý. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự dịch chuyển liên tục của người mua, người bán trong mỗi giao dịch căn hộ ở các tòa nhà. Thậm chí, dù đã ở vài năm nhưng có chủ hộ không biết tổ trưởng dân phố là ai, hoặc tổ trưởng chưa biết mặt chủ hộ thì căn hộ đã bán rồi. Bởi vậy, vấn đề quản lý dân cư ở nhiều nơi phức tạp, nhất là việc kiểm tra hành chính của công an phường, cảnh sát khu vực.

Thực tế, nhiều KĐT vẫn trong tình trạng không TDP. Việc không thành lập được TDP tại các KĐT mới không chỉ gây khó khăn trong việc nắm bắt kịp thời tình hình, tư tưởng của người dân mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự, an toàn trên địa bàn. Tuy nhiên, cũng không phải dễ để tìm được người có đủ điều kiện, uy tín làm tổ trưởng dân phố.

Ngoài ra, những bất cập liên quan phí bảo trì tòa nhà, quyền sở hữu chung - riêng, phí vận hành, sửa chữa… chưa được thống nhất, giải quyết do thiếu BQT tòa nhà. Vấn đề này đã và đang gây khiếu kiện dai dẳng ở một số nơi. Do vậy, việc quản lý hành chính ở những nơi này vốn phức tạp lại càng thêm khó khăn. Cùng với đó, hiện nay có nhiều KĐT mới cùng nằm trên địa giới hành chính của các địa bàn khác nhau, cùng lúc chịu sự quản lý của nhiều chính quyền cơ sở. Thực tế này cũng gây khó khăn cho cả chính quyền, chủ đầu tư và người dân.