Hướng đến du lịch bền vững

Du khách đến Hà Nội thường có xu hướng dạo quanh khu vực phố cổ để được tham quan và trải nghiệm. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch ở khu phố cổ như thế nào để thu hút du khách vẫn còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Một trong những nét độc đáo của du lịch Hà Nội là xích-lô phố cổ.
Một trong những nét độc đáo của du lịch Hà Nội là xích-lô phố cổ.

Phương tiện nào phù hợp?

Một trong những nét độc đáo của du lịch Hà Nội là xích-lô phố cổ. Rất nhiều du khách đã chọn phương tiện này để tham quan, khám phá nét đẹp cổ kính trên những con phố ở Hà Nội. Tiếng leng keng từ xe xích-lô tạo cho du khách cảm giác vừa lạ lẫm, vừa thú vị.

Có thời điểm, xích-lô Hà Nội gần như… biến mất. Sự phát triển của quá trình đô thị hóa khiến loại phương tiện này rơi vào quên lãng. Ngày nay, loại hình vận tải này được quy định về thời gian hoạt động cũng như hình thức quản lý. Theo Quyết định 100 của UBND TP Hà Nội về quản lý xe xích-lô du lịch, mức giá cho một vòng dạo quanh bờ hồ Hoàn Kiếm hiện nay vào khoảng 200.000 đồng.

Nếu xích-lô mang lại nét cổ xưa thì xe ô-tô điện là phương tiện của du lịch hiện đại. Loại hình này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của du khách vì sự thuận tiện và thân thiện môi trường. Gần đây, UBND TP Hà Nội đã thí điểm đầu tư thêm 20 xe ô-tô điện ứng dụng công nghệ pin năng lượng mặt trời và mở rộng thêm hai tuyến hoạt động phục vụ khách du lịch tham quan trên địa bàn. Tuy nhiên, một trong những bất lợi của ô-tô điện là xe chỉ đi theo lộ trình, không theo nhu cầu của du khách. Khi qua các điểm dừng đỗ di tích, điểm mua sắm, tham quan… du khách có thể xuống và sau đó 15 phút sẽ có chuyến xe khác chạy qua. Có điều, lần sau, du khách lại phải mua vé.

Xe bus hai tầng tuy phổ biến ở nước ngoài nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc, du khách còn có thêm nhiều trải nghiệm độc đáo khi được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao. Hiện nay, tại Hà Nội có hai dòng xe buýt hai tầng phục vụ du khách, phân biệt bằng mầu sắc: đỏ và vàng. Du khách có thể tùy thích ở lại mỗi điểm tham quan và không bị ràng buộc về thời gian. Trên xe được trang bị hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ gồm tiếng Việt, Anh, Trung Quốc, Pháp, Hàn, Nhật, Nga… về các điểm tham quan, tạo thuận lợi cho cá nhân hoặc nhóm khách khác quốc tịch cùng chung hành trình. Dù đưa đến trải nghiệm hoàn toàn mới, nhưng xe bus hai tầng ở Hà Nội cũng đang trong tình trạng khá “hẩm hiu”. Một phần vì mức giá đưa ra còn khá cao, mặt khác dạng xe mui trần không phù hợp mỗi khi trời mưa dông hay bão lớn.

Yếu tố “thân thiện môi trường”

Du lịch bền vững không phải là vấn đề mới đối với Hà Nội nhưng thành phố phải coi trọng yếu tố này. Du lịch bền vững, còn gọi là du lịch xanh, nếu thẳng thắn nhìn nhận, lại chưa được định hình bằng những hoạch định, kế hoạch cụ thể của Hà Nội trong thời gian qua. Tuy nhiên, cũng không thể nói thành phố không xuất hiện loại hình du lịch xanh, chỉ có điều nó phát triển một cách tự phát do các doanh nghiệp tư nhân.

Cuối những năm 90 của thế kỷ trước, du lịch sông Hồng xuất hiện, mới mẻ, lạ lẫm và dân dã: Đi tàu dọc bờ sông ngắm cảnh sắc, di tích và làng cổ ven bờ. Đến nay, du lịch sông Hồng vẫn tồn tại nhưng không còn hấp dẫn bởi thiếu sự đầu tư đúng mức về cơ sở vật chất, tàu thuyền, bến bãi, các dịch vụ du lịch và sự phối hợp đầu tư tại điểm đến. Gần đây là các tour du lịch khám phá phố cổ Hà Nội, bố trí cho khách tìm hiểu phong tục, tập quán, văn hóa, ẩm thực tại Bát Tràng, làng cổ Đường Lâm, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, đạp xe khám phá làng quê nông thôn và cuộc sống người dân ngoại thành Hà Nội… nhưng vẫn chưa tạo được điểm nhấn hiệu quả.

Có thể nói, các sản phẩm du lịch này khá hấp dẫn du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Tuy vậy, phát triển du lịch xanh mới được ghi nhận ở việc xây dựng sản phẩm du lịch. Việc bảo vệ cảnh quan môi trường, di tích tại điểm đến còn nhiều điều cần bàn. Tình trạng rác thải bừa bãi, cảnh quan bị xâm hại, các dịch vụ du lịch lộn xộn, cơ sở lưu trú… cho dù đã cải thiện nhưng chưa triệt để.

Nhận thức điều này, Hà Nội đã đưa yếu tố “thân thiện với môi trường” vào mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, nhân văn, bảo vệ môi trường, sinh thái, xã hội. Theo đó, thành phố sẽ xây dựng quy chế cụ thể khai thác du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường, liên kết với cộng đồng dân cư trong hoạt động bảo vệ môi trường.