Hành động vì động vật hoang dã

Đánh giá từ chiến dịch “Giảm thiểu vi phạm về động vật hoang dã” tại ba tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam giai đoạn 2019 - 2020 do Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) vừa công bố cho thấy, nỗ lực của chính quyền và cơ quan chức năng của ba địa phương nói trên đã đem lại những kết quả tích cực. Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã đi đầu trong nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).

Đưa động vật hoang dã về lại rừng.
Đưa động vật hoang dã về lại rừng.

Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 đã sửa đổi các hành vi buôn bán, quảng cáo, tàng trữ ĐVHD và sản phẩm từ ĐVHD có thể bị xử phạt mức cao nhất lên tới 15 năm tù giam. Vì vậy, một trong những nỗ lực nhằm ngăn chặn vi phạm, bên cạnh việc tuyên truyền, chế tài xử phạt còn là xây dựng và thực hiện chương trình đánh giá mức độ trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn, cũng như đánh giá hiệu quả xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng.

Thống kê của ENV cho thấy, thời gian qua, cơ quan chức năng ở các thành phố Huế, Đà Nẵng và Tam Kỳ đã xóa bỏ thành công 86,3% các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD được phát hiện qua chiến dịch. Đặc biệt, Đà Nẵng đạt tỷ lệ xử lý thành công các dấu hiệu vi phạm về ĐVHD cao nhất, với mức 94%; cùng với Huế là 88% và Tam Kỳ là 77%.

Được biết, trong số 1.369 cơ sở được khảo sát (nhà hàng, quán bar, hiệu thuốc y dược cổ truyền, cửa hàng thú cảnh, khách sạn, chợ), ENV ghi nhận 81 cơ sở có vi phạm (chiếm 5,9%). Con số này cho thấy tình trạng tiêu thụ ĐVHD tuy có xảy ra tại miền trung, nhưng tỷ lệ thấp hơn nhiều so ghi nhận trước đó tại Hà Nội (11%) và TP Hồ Chí Minh (8%) giai đoạn 2017 - 2018. Đáng chú ý, cơ quan chức năng đã xử lý thành công 88,7% các dấu hiệu vi phạm được báo cáo trong giai đoạn khảo sát.

Đại diện ENV cho rằng, phản hồi kịp thời của các cơ quan chức năng là yếu tố quan trọng nhằm thiết lập cơ chế hợp tác có hiệu quả giữa người dân và các cơ quan chức năng trong công tác phòng, chống vi phạm về ĐVHD. Tỷ lệ phản hồi của cơ quan chức năng tại các địa phương trên đối với thông báo từ người dân qua đường dây nóng của ENV bình quân đạt 96,1%. Điều này cho thấy nỗ lực của các cơ quan chức năng miền trung trong việc ngăn chặn vi phạm về ĐVHD luôn cao so các địa phương khác trên cả nước.
  
Theo ENV, thành công trong công tác xử lý vi phạm về ĐVHD ở thành phố Huế, Đà Nẵng và Tam Kỳ là minh chứng cho hiệu quả của chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xử lý vi phạm về ĐVHD. Đây là tấm gương cho các địa phương khác noi theo, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực xử lý tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép ngày mỗi gia tăng.

Được biết, từ năm 2013, ENV xây dựng và bắt đầu thực hiện chương trình đánh giá mức độ phổ biến của những vi phạm về ĐVHD trên địa bàn các thành phố lớn tại Việt Nam, cũng như đánh giá hiệu quả giải quyết các vi phạm được thông báo của các cơ quan chức năng. Từ đó đến nay, các chương trình khảo sát vi phạm về ĐVHD đã được thực hiện tại 10 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Cần Thơ, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Nam và Đà Nẵng, với 16.556 cơ sở được khảo sát. Mục tiêu của chương trình nhằm xóa bỏ tình trạng kinh doanh, tiêu thụ ĐVHD trái phép trên toàn quốc. Đồng thời, đánh giá phản hồi của các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm về ĐVHD, đặc biệt là các vụ việc liên quan động vật sống do người dân thông báo.