Hạn chế phương tiện cá nhân vẫn gặp khó

Những năm qua, TP Hà Nội đã không ít lần đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông vốn ngày càng căng thẳng. Tuy nhiên, do dân số tăng cao, cộng với áp lực của quá trình đô thị, công nghiệp hóa nên việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vẫn đang khá bế tắc.

Xe máy vẫn là phương tiện đi lại phổ biến của người dân. Ảnh: HẢI NAM
Xe máy vẫn là phương tiện đi lại phổ biến của người dân. Ảnh: HẢI NAM

1/ Tắc đường ngày càng trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Dẫu vậy, các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này vẫn chưa mang lại hiệu quả. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng cơ bản là do hạ tầng chưa theo kịp sự phát triển của đô thị. Ngoài ra, với kết cấu kiến trúc hạ tầng hiện nay, việc hạn chế các phương tiện giao thông cá nhân nếu không có lộ trình rõ ràng và hoàn chỉnh thì sẽ ngày càng khó khăn.

Ở Việt Nam, với đặc trưng cơ bản là nhà phố, nhiều ngóc ngách nhỏ chiếm hơn 80%, cùng với đó là nền kinh tế phi chính thức tập trung rất đông người lao động tự do. Nền kinh tế này phù hợp xe máy, khó tương thích với loại phương tiện giao thông công cộng. Trong khi đó, muốn giải quyết bài toán giao thông thì không thể không quan tâm đến cấu trúc đô thị. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống giao thông công cộng công suất lớn phải gắn liền việc dùng nhà cao tầng “gom dân” theo chiều dọc.

Ngoài ra, cần tiến hành xây dựng đô thị dọc theo hệ thống tuyến metro (tàu điện). Ở các trạm tàu điện, nên hình thành các dự án quy hoạch khu nhà ở hoặc nhóm nhà ở. Đối với các nhóm phức hợp cao tầng thì nên tập trung ưu tiên chức năng thương mại - dịch vụ, văn phòng, bãi đậu xe, hạn chế chức năng ở, kết hợp khu công viên cây xanh, thể dục thể thao tập trung phục vụ công cộng…

Việc phát triển các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, công viên cạnh các tuyến metro ở ngoại ô sẽ tạo sức thu hút lớn, để cư dân từ khu trung tâm ra ngoại ô mua sắm, vui chơi. Ngay các trạm này cần có những nơi đỗ xe có sức chứa lớn và chống ngập tốt để thuận tiện cho người dân gửi xe và sử dụng metro. Vì thế, theo các chuyên gia, không thể cấm xe máy hay ô-tô mà phải phát triển đường metro để người dân tự giảm dần các phương tiện cá nhân. Chỉ có điều, ở thời điểm hiện tại, việc xây dựng các tuyến metro vẫn đang nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Mong rằng trong vài năm tới, những km đầu tiên của các tuyến metro sẽ được đưa vào hoạt động, đồng thời phát triển đô thị nén dọc các tuyến metro này để việc sử dụng cơ sở hạ tầng hiệu quả và bền vững.

2/ Mới đây, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đưa ra hai phương án: Hạn chế xe máy theo quận, tiến hành ở 12 quận nội thành và năm huyện chuẩn bị lên quận gồm: Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì, Đan Phượng từ năm 2030 và hạn chế xe máy theo vành đai. Trong số năm vành đai được Hà Nội xây dựng đến năm 2030, vành đai 3 được cho là đạt đầy đủ các chỉ tiêu để áp dụng chính sách hạn chế xe máy.

Theo dự báo, với tốc độ tăng bình quân 10%/năm, đến năm 2025, Hà Nội sẽ có khoảng 11 triệu xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ đất dành cho giao thông ở Hà Nội hiện mới đạt 10% diện tích đất xây dựng đô thị. Đến năm 2020, dù thành phố có đạt được chỉ tiêu tổng diện tích đất dành cho giao thông khoảng 13% đất đô thị như Chương trình số 06 của Thành ủy Hà Nội đề ra, thì vẫn kém xa so tỷ lệ yêu cầu là từ 20 - 26% trong Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội.

Trên thực tế, xe cá nhân đang tăng nhanh, người sử dụng phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế dẫn đến ùn tắc, tai nạn và ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi trên địa bàn. Để khắc phục tình trạng trên, chính quyền Hà Nội cho biết, sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng vào năm 2020 đạt hơn 20%. Đối với đề án phân vùng hoạt động, tiến tới cấm xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030, thành phố xác định đây là việc khó, phức tạp, động chạm đến tâm tư, tình cảm và cuộc sống của rất nhiều người dân, do vậy đề án sẽ được triển khai thận trọng.

GS, TS Nguyễn Thị Vinh, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho rằng, việc hạn chế xe máy cần thực hiện theo lộ trình, từ phạm vi hẹp đến rộng. Theo đó, Hà Nội nên áp dụng thí điểm với hai tuyến đường, đồng thời có điều chỉnh tăng cường các tuyến xe buýt mini, xe điện ba bánh… Với điều kiện cơ sở hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, vẫn cần phải kiên định chủ trương phát triển vận tải hành khách công cộng.