Góp phần sáng tạo không gian sống tốt đẹp

Luật Kiến trúc có hiệu lực từ ngày 1-7, cùng với việc triển khai Nghị định 85 của Chính phủ về thực hiện một số điều của Luật Kiến trúc, đó là những tín hiệu tốt đẹp cho sự phát triển nền kiến trúc đất nước. Trước thềm Đại hội Hội Kiến trúc sư Việt Nam lần thứ X, sẽ diễn ra gần cuối tháng 9. Thời Nay xin giới thiệu bài viết của KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội.

Kiến trúc sư cần tích cực làm thay đổi bộ mặt các địa bàn cư trú của người dân.
Kiến trúc sư cần tích cực làm thay đổi bộ mặt các địa bàn cư trú của người dân.

1 Lâu nay, nói đến kiến trúc, người ta thường nghĩ đến chuyện nhà cửa. Và đương nhiên, nói kiến trúc sư (KTS) là nói đến anh vẽ kiểu nhà! Đơn giản và hồn nhiên là vậy! Cho dù, nghệ thuật kiến trúc đã có từ thời thượng cổ, song hành cùng với sự phát triển của loài người. 

Có lẽ vì thế, kiến trúc và KTS thường được nói đến nhiều và cũng được/bị khen chê vào hàng nhiều nhất. Thí dụ, hầu như ai cũng có thể nhận xét “ngôi nhà này xấu”, hay “kiến trúc này dở”. Còn “xấu” hay “dở” như thế nào, cấu trúc công năng ra sao, người ta lại không dễ biết!

Trong các trường đào tạo KTS, kiến trúc được tôn vinh một cách hàn lâm và sang trọng, bởi đó là một lĩnh vực đặc thù, là nghệ thuật tổ chức không gian và môi trường sống. Còn KTS là người sáng tạo ra công trình ấy, không gian ấy, thể hiện qua bản vẽ theo nhu cầu sử dụng của xã hội. 

Nhưng xây dựng nó lại là những người khác. Một công trình kiến trúc được đưa vào sử dụng phải qua rất nhiều công đoạn. Bắt đầu là tìm cuộc đất (vị trí xây dựng), yêu cầu (nhiệm vụ thiết kế) của chủ đầu tư, tiếp đó là thiết kế của KTS, rồi đến việc triển khai xây dựng do những người thợ thi công. Trong quá trình xây dựng, không phải lúc nào sáng tạo của KTS cũng được tôn trọng. Nó còn phải thay đổi, sửa chữa… từ vài lần đến nhiều lần cho phù hợp với vật liệu, kinh phí đầu tư… và đặc biệt là theo ý thích của người chủ?!

2 Là một nghề đặc biệt, vừa nghệ thuật vừa khoa học. Sản phẩm do KTS tạo ra là sản phẩm đặc biệt vì nó bị chi phối bởi kinh tế và quyền lực. Gọi KTS là nghệ sĩ, bởi công việc của KTS là tạo nên cái đẹp cho kiến trúc. Nhưng cái đẹp ấy có trở thành hiện thực hay không thì lại phụ thuộc vào khả năng thẩm định cái đẹp và túi tiền của nhà đầu tư. Với một ngôi nhà của tư nhân, thì quyền quyết định là chủ nhà. Với một công trình, một tổ hợp nhà ở, quy hoạch một thành phố, sử dụng vốn nhà nước thì quyền quyết định là người có vai trò cao nhất.

Không một KTS nào lại tự ý ngồi sáng tác một công trình, quy hoạch một thành phố mà không có đặt hàng của nhà đầu tư (Nhà nước hay tư nhân). Lao động nghệ thuật của KTS rất khác với sáng tạo của nhiều nghệ sĩ thuộc các lĩnh vực khác. Cái “tôi” trong sáng tạo của KTS chỉ tồn tại khi được nhà đầu tư chấp nhận, khi tác phẩm ấy được đem ra thi công xây dựng. Và khi ấy, tên của KTS gắn liền với công trình. 

3 Hành nghề của KTS liên quan đến xã hội. Nó góp phần làm cho các thành phố, thị xã, thị trấn hay không gian làng quê của chúng ta đẹp lên (nhưng cũng cả… xấu đi?!). Nó làm thay đổi nhận thức của con người, làm cho con người tốt hơn, hạnh phúc hơn nếu được sống trong những ngôi nhà có kiến trúc đẹp, thoáng đãng, mát mẻ và tiện nghi; được sống bình yên trong một thành phố, một khu đô thị có môi trường trong lành, không bị ô nhiễm, tắc đường, kẹt xe… có nhiều cây xanh, mặt nước, hài hòa thân thiện giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Và khi ấy, KTS đã làm tròn được sứ mệnh vinh quang của mình là sáng tạo nên không gian sống tốt đẹp cho con người và kiến trúc là tấm gương trung thực nhất phản ánh thời đại.

Luật Kiến trúc bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-7 cùng với việc triển khai Nghị định 85 của Chính phủ về thực hiện một số điều của Luật Kiến trúc. Điều này sẽ giúp cho xã hội và đặc biệt là giới KTS thấy rõ sâu sắc hơn vai trò của kiến trúc, trách nhiệm của KTS trong công cuộc kiến tạo, xây dựng đất nước và phát triển nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, bền vững, nhân văn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc.