Giảm tải cho nội đô

Với số dân hơn tám triệu người, mật độ hạ tầng giao thông TP Hà Nội đã trở nên quá tải gấp ba, bốn lần. Thế nhưng, việc thực hiện giãn dân, giảm áp lực cho trung tâm thành phố cũng như các đô thị khác vẫn đang “giậm chân tại chỗ”.

Việc giảm tải lượng phương tiện giao thông vẫn gặp nhiều khó khăn.
Việc giảm tải lượng phương tiện giao thông vẫn gặp nhiều khó khăn.

1/ Mấy ngày qua, cư dân mạng thi nhau “chế” ảnh thành phố vắng vẻ như… Tết. Nguyên nhân xuất phát từ dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, tránh tiếp xúc nơi đông người; một số trường học tiếp tục cho học sinh, sinh viên nghỉ học; nhiều cơ quan, công sở, doanh nghiệp… cho phép nhân viên làm việc online tại nhà.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì ai cũng thấy, thế nhưng trong thời điểm này, nhiều người lại tỏ ra vui mừng khi đường phố bỗng chốc vắng lặng. “Thành phố tự nhiên chẳng còn cảnh ùn tắc, kẹt xe đến ngột ngạt. Đường thông, phố thoáng, tiếng còi xe đinh tai nhức óc như mọi ngày giảm hẳn cũng thấy hay”, anh Trần Văn Vinh (đường Giải Phóng, quận Hoàng Mai) cho biết.

Thực tế, từ lâu thành phố đã có chủ trương di dời trụ sở các bộ, ngành, nhà máy, bệnh viện, trường học ra khỏi nội đô nhằm tránh sức ép quá tải. Chính phủ cũng đã có quyết định về sử dụng quỹ đất sau khi di dời, ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe… Tuy nhiên đến nay, việc triển khai các dự án di dời vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 130/2015/QĐ-TTg về biện pháp, lộ trình, việc sử dụng quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục, cơ quan, đơn vị trong nội thành, cũng như giao nhiệm vụ cụ thể đến các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, đến nay kết quả di dời còn chậm chạp và chưa đồng bộ. Cụ thể, đối với cơ sở giáo dục, hiện mới có Đại học Y tế công cộng là trường thực hiện di dời. Song, khu đất “vàng” của trường tại số 138 Giảng Võ (quận Ba Đình) lại được chuyển đổi xây dựng một tổ hợp dự án nhà cao tầng. Đối với cơ sở y tế, hiện chỉ có Bệnh viện K cơ sở 2 và Bệnh viện Nội tiết T.Ư đã xây dựng cơ sở mới và đưa vào sử dụng, nhưng vẫn tiếp tục sử dụng cơ sở cũ trong nội thành.

Tình trạng “có mới” nhưng không “nới cũ” cũng xảy ra đối với các trụ sở làm việc của một số bộ, ngành T.Ư sau di dời. Trong đó, nhiều cơ quan dù đã được bố trí đất, chuyển trụ sở nhưng đơn vị vẫn tiếp tục giữ trụ sở cũ, hoặc bàn giao cho cơ quan T.Ư quản lý. Do vậy, đến nay Hà Nội vẫn chưa thu hồi được khu đất nào từ các bộ, ngành để xây dựng các công trình công cộng.

2/ Hà Nội là một trong hai địa phương có sự tăng trưởng kinh tế cao và ổn định nhất cả nước. Điều này khiến tốc độ đô thị hóa tại nhiều địa bàn tiếp tục diễn ra nhanh. Tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh, nhưng mật độ dân số tập trung tại các quận nội thành cao và không đồng đều, cùng việc mất cân đối trong quy hoạch hạ tầng giao thông khiến Thủ đô ngày càng ngột ngạt.

Dù Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện hệ thống giao thông, tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh chóng và quy hoạch thiếu tầm nhìn dài hạn đã khiến hạ tầng giao thông khó đáp ứng kịp nhu cầu đi lại. Đơn cử như tuyến đường Lê Văn Lương, dự kiến mở rộng từ năm 2003 nhằm kết nối với hai tuyến đường vành đai để giảm tải giao thông tại khu vực này, nhưng việc bố trí ngân sách rất chậm. Gần đó, tuyến đường 70 tỷ lệ 1/500 (đoạn từ Hà Đông đến đại lộ Thăng Long) với chiều dài toàn tuyến khoảng 4,26 km, dù đã lên kế hoạch từ rất lâu nhưng đến giờ vẫn chưa thành hình.

Nhìn nhận về những bất cập của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, năng lực quản lý, chỉ đạo điều hành, thực hiện dự án của một số chủ đầu tư, nhà đầu tư, tư vấn còn hạn chế. Điều này dẫn đến tiến độ thực hiện một số dự án bị kéo dài. Sự bất cập còn thể hiện ở việc triển khai lập, thẩm định và phê duyệt đồ án Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đến năm 2016 mới hoàn thành xong và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong khi đó, đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô lại được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011.

TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch & Phát triển đô thị Việt Nam đề xuất, thành phố cần dùng các nguồn lực, cơ chế của thành phố để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng các địa điểm mới và khai thác sử dụng những địa điểm cũ theo mục tiêu phát triển chung. Bên cạnh đó, có thể thực hiện bằng cách gắn trách nhiệm của các cơ sở di dời theo hướng tự chủ để có thể huy động đa dạng nguồn lực xã hội, hợp tác đầu tư, phát triển dự án. Đặc biệt, cần hạn chế tư duy sử dụng cơ sở cũ để chuyển đổi tạo nguồn vốn đầu tư. Bởi, với phương pháp này, các quỹ đất chuyển đổi đã được các nhà đầu tư biến thành các tòa nhà chung cư cao tầng trong thời gian qua, gây áp lực rất lớn đối với hạ tầng hiện hữu tại nội đô.