Đưa người bệnh mạn tính về trạm y tế

Người mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường sẽ được chuyển thông tin từ các bệnh viện về 24 trạm y tế quận, huyện quản lý là chương trình thí điểm mà Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa triển khai nhằm mang lại lợi ích và hiệu quả điều trị cho người bệnh.

Tư vấn và kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.
Tư vấn và kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.

Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trước thực trạng quá tải của các bệnh viện thành phố, việc chuyển thông tin những người mắc bệnh không lây mạn tính (tăng huyết áp, đái tháo đường) từ bệnh viện về trạm y tế để quản lý điều trị là hoạt động quan trọng và cần thiết.

Theo đó, tất cả các bệnh viện đa khoa, bệnh viện quận, huyện chuyển thông tin người bệnh theo biểu mẫu, nội dung do Sở Y tế quy định về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (CDC). Trung tâm này có trách nhiệm chuyển thông tin người bệnh cho 24 trung tâm y tế theo từng quận, huyện. Trung tâm y tế quận, huyện chuyển cho trạm y tế mô hình điểm thông tin người bệnh có địa chỉ cư trú trên địa bàn để trạm y tế quản lý, hỗ trợ chăm sóc, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

Ngoài trạm y tế mô hình điểm, Sở Y tế cũng khuyến khích các trung tâm y tế quận, huyện mở rộng triển khai việc chuyển thông tin người bệnh đến những trạm y tế trực thuộc khác. Bên cạnh việc chuyển thông tin người bệnh, Sở Y tế đề nghị các bệnh viện quận, huyện nghiên cứu triển khai quy trình tiếp nhận người bệnh do trạm y tế chuyển đến để khám chuyên khoa hoặc thực hiện thêm xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những người bệnh đang điều trị tại trạm y tế.

Theo Chương trình Sức khỏe Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2025, sẽ có ít nhất 50% số bệnh nhân tiểu đường được phát hiện bệnh và tiếp tục tăng lên 70% vào năm 2030, đồng thời tăng tỷ lệ bệnh nhân được quản lý bệnh tại các cơ sở y tế lên 30 - 40% trong 10 năm tới.

Thống kê cho thấy, nước ta hiện có khoảng 3,53 triệu người mắc bệnh đái tháo đường và dự báo đến 2045 sẽ tăng lên 6,13 triệu người trưởng thành có thể mắc bệnh này. Hiện, trên cả nước có hơn 11.000 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Đây là mạng lưới y tế cơ sở trực tiếp gần người dân nhất và được kỳ vọng với vai trò là “người gác cổng” trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng như sàng lọc, phát hiện sớm và quản lý một số bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, tăng huyết áp… để góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), một số nguyên nhân quan trọng gây bệnh đái tháo đường là do các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia…

Điều tra của Bộ Y tế cho thấy, khoảng 45,3% nam giới Việt Nam hút thuốc lá, 77% nam giới uống rượu, bia và gần một nửa (44%) nam giới uống ở mức nguy hại; hơn một nửa số người trưởng thành ăn thiếu rau, trái cây; 30% dân số hiện nay thiếu hoạt động thể lực và 16% người trưởng thành bị thừa cân béo phì. Sự gia tăng các hành vi nguy cơ trên đã dẫn tới các rối loạn sinh - chuyển hóa, gây rối loạn đường máu, mỡ máu, từ đó dẫn tới mắc bệnh. Các bằng chứng khoa học cho thấy nếu loại trừ được các hành vi nguy cơ sẽ giúp phòng tránh bệnh đái tháo đường tới 80%.