Đô thị sinh thái

Khói bụi, ô nhiễm môi trường đe dọa sức khỏe người dân thành thị mỗi ngày. Điều này khiến nhiều người tìm đến các đô thị sinh thái, với mong muốn có cuộc sống chất lượng hơn, xanh hơn.

Dịch chuyển về những khu đô thị xanh là xu hướng được nhiều người lựa chọn.
Dịch chuyển về những khu đô thị xanh là xu hướng được nhiều người lựa chọn.

Những vòng quay chóng mặt

Buổi sáng của chị Nguyễn Thị Thanh (đường Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu bằng việc luồn lách giữa những dòng xe cộ đông nghẹt để đưa con tới trường. “Mỗi ngày ra đường là như đánh vật với giao thông bởi ách tắc, rồi thì khói bụi, rác thải ô nhiễm môi trường. Khoảng 20 năm trước, Hà Nội đâu có thế, vậy mà giờ đây ngày càng ngột ngạt, khó thở. Không biết đến bao giờ mới chấm dứt cảnh này”, chị nói.

Cùng cảm nhận, anh Trần Hữu Đức (đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy) cũng đang băn khoăn với cuộc sống hiện tại. Gia đình anh sống trong một con ngõ nhỏ nên hầu như phải thắp điện cả ngày vì thiếu ánh sáng tự nhiên. Con anh mỗi ngày sau giờ học chỉ quanh quẩn trong nhà làm bạn với điện thoại và tivi. Bản thân anh cũng căng thẳng khi hằng ngày phải “chạy sấp mặt” để đến cơ quan làm việc. Anh có điều kiện mua ô-tô nhưng anh nói có thể “phát điên” vì tình hình giao thông lộn xộn hiện nay.

Theo báo cáo của HĐND TP Hà Nội, mật độ dân số trung bình của Hà Nội là 2.279 người/km2, cao gấp 10 - 20 lần mật độ dân số của các thủ đô khác trong khu vực ASEAN. Bên cạnh đó, Trung tâm Phát triển & Sáng tạo Xanh (GreenID) từng công bố Hà Nội xếp thứ hai về chỉ số ô nhiễm không khí trong 23 thành phố được khảo sát tại một số quốc gia Đông - Nam Á (gồm Việt Nam, Thái-lan, Myanmar và Indonesia). Cùng với đó, ô nhiễm không khí cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xem là “kẻ giết người thầm lặng”. Theo phân tích mới nhất của WHO, khoảng 8,8 triệu người chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí, gấp đôi các ước tính trước đó.

Tuy cuộc sống ngày càng ngột ngạt nhưng nhiều gia đình vẫn chọn gắn bó với Thủ đô. Nguyên nhân là vì nơi đây phát triển hơn những nơi khác, người dân được thụ hưởng nhiều tiện ích chất lượng về y tế, giáo dục, mua sắm, giải trí… “Ra đường phải trùm mấy lớp khẩu trang, nhà ở có phần chật chội, thiếu không gian xanh nhưng mình tạm hài lòng với cuộc sống hiện tại. Về lâu dài, các con mình được theo học tại hệ thống trường học chất lượng từ bậc mầm non đến đại học, nên dù có khó chịu chút thì vẫn có thể cố gắng được”, chị Mai Anh (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ.

Hướng đến môi trường sống chất lượng

Để tìm được một khoảng xanh trong lành giữa chốn nội đô không phải chuyện dễ dàng, trong khi dân số Hà Nội vẫn không ngừng tăng, nhà cao tầng vẫn tiếp tục được xây lên. Ở những nơi đó, nhà không hẳn là nơi để nghỉ ngơi thoải mái sau chuỗi ngày làm việc. Con trẻ thiếu không gian vui chơi, người già mệt mỏi. Những chuyến du lịch nghỉ dưỡng ít ngày không đủ xua đi sự ngột ngạt trong cuộc sống. Vì vậy, xu hướng sống ngoại đô và đi làm nội đô đang là giải pháp hoàn hảo được không ít người lựa chọn.

Trên thế giới, đã từng có những cuộc dịch chuyển, “đào thoát” nền văn minh đô thị để tìm đến những ngôi nhà sinh thái, những nơi có không khí trong lành như vùng ngoại thành, nông thôn, rừng núi…

“Gia đình tôi lúc nào cũng mong ước sống trong một môi trường có nhiều không gian, để được hít thở chút không khí sạch mỗi buổi sáng thức dậy, thay vì tiếng còi xe và bầu không khí đặc nghẹt ô nhiễm”, anh Chiến (quận Hoàng Mai) cho biết. Thế nhưng, dù lo ngại khói bụi, ô nhiễm đang đe dọa sức khỏe từng ngày, ước mong dịch chuyển về một nơi có không khí trong lành của gia đình anh Chiến đang gặp khó. Một phần do kinh tế hạn hẹp, một phần rất khó để tìm được những khu đô thị có chất lượng tốt trong khu vực nội đô. Anh nói: “Có những ngày ở Thủ đô khói bụi mịt mù như sương sớm ở Mù Cang Chải. Bệnh tật, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp luôn rình rập. Chưa bao giờ tôi thấy thôi thúc về một cuộc thay đổi, tìm kiếm nơi ở khác xanh hơn, chất lượng hơn như lúc này”.

Trong bối cảnh những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu đô thị phức hợp như Times City, Ecopark, The Manor Central Park (Hà Nội)… luôn thu hút sự quan tâm cao của khách hàng. Vì thế, các đợt mở bán của những dự án này dù không quá rầm rộ nhưng hầu như luôn đạt thanh khoản cao. Chỉ có điều, không phải ai cũng đủ điều kiện kinh tế để sinh sống ở những nơi đó.

Đô thị sinh thái với không gian sống xanh, hiện đại là điều mà nhiều gia đình đang tìm kiếm. Do vậy, trong chiến lược phát triển đô thị bền vững mà Việt Nam hướng tới, đô thị sinh thái là một hợp phần quan trọng, cần có những động lực và chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của mô hình này.

Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội ghi nhận trung bình mỗi năm Thủ đô tăng thêm 200.000 người. Ước tính vào năm 2020, dân số Hà Nội sẽ tăng lên đến khoảng 10,5 triệu người. Điều này phần nào giải thích cho tình trạng ô nhiễm, ùn tắc giao thông ngày càng tăng tại Hà Nội, đặc biệt là ở những khu vực trung tâm.