Đô thị cần thêm không gian xanh

Hiện nay, việc phát triển đô thị xanh luôn là định hướng được các thành phố lớn ưu tiên phát triển. Tuy nhiên, để tìm được một đô thị bảo đảm đủ yếu tố xanh, an lành tại các khu vực trung tâm lại không phải dễ.

Những không gian xanh ở các khu đô thị còn khá ít so yêu cầu thực tế.
Những không gian xanh ở các khu đô thị còn khá ít so yêu cầu thực tế.

Ngột ngạt, khó thở

Mới đầu tháng 5, truyền thông đồng loạt đưa tin dự báo mùa hè năm 2020 sẽ nắng nóng bất thường và khốc liệt, nền nhiệt đạt mức kỷ lục trên toàn cầu.

Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia dự báo, nhiệt độ trung bình từ tháng 5 đến tháng 10-2020 trên phạm vi quốc gia cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 0,5 - 1 độ C; riêng tháng 5 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng cao hơn từ 1 - 2 độ C so giá trị trung bình cùng thời kỳ.

Do vậy, dù chưa phải đối mặt đợt nắng nóng cao điểm nhưng người dân Thủ đô đã phần nào cảm nhận sự khắc nghiệt của mùa hè đang ngày càng nặng nề hơn so những năm trước. Nguyên nhân của tình trạng này một phần bởi quá trình đô thị hóa và bê-tông hóa diễn ra quá nhanh. Tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, các tòa nhà bê-tông, tòa tháp kính mọc lên dày đặc và lượng xe cộ lưu thông quá tải khiến không gian xanh dần mất đi, phố xá ngày càng ngột ngạt, sức nóng mùa hè càng tăng lên gấp nhiều lần. Khảo sát cho thấy, dù tối đa hóa diện tích mật độ xanh thì các dự án nhà ở hiện nay chỉ chiếm khoảng 40%, chưa kể không ít dự án bị cắt xén không gian xanh, thậm chí “bỏ quên” luôn tiện ích này.

Tại Hà Nội, khu vực trung tâm thiếu quá nhiều các tiện ích như công viên, cây xanh, hồ nước để điều hòa không khí. Thực tế, ngoài một số khu vực phố cũ có các hàng cây xanh như Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Lê Thánh Tông… được trồng từ cách đây mấy chục năm tỏa bóng mát ngày hè, thì hầu hết tại các khu đô thị mới ở Hà Nội hiện nay chiếm tỷ lệ lớn là những bức tường bê-tông cao chót vót. Điều này không chỉ khiến nền nhiệt ngoài trời liên tục tăng cao bất thường mà còn gây ra hiện tượng đảo nhiệt đô thị. Người dân sống tại những nơi này, mặc dù được coi là khu đô thị cao cấp với những căn hộ hạng sang, nhưng thực tế không gian sống bị bó hẹp trong khoảng không nhỏ, ngột ngạt.

Cần xây dựng chiến lược lâu dài

Tại Việt Nam, Chương trình tăng trưởng xanh được cụ thể hóa thông qua “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 9-2012. Trong đó khẳng định, để bảo đảm phát triển bền vững, tăng trưởng xanh cần đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, đồng thời giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm… Chỉ có điều, đến nay việc triển khai vẫn còn khá khiêm tốn so yêu cầu thực tế.

Hiện nay, việc đầu tư vào những công trình xanh sẽ tốn nhiều chi phí, đắt hơn công trình thường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia môi trường đô thị khẳng định, công trình xanh sẽ giúp nhà đầu tư thu hồi được nguồn lợi lớn hơn nhiều so công trình thường về mặt dài hạn, giúp giải quyết gánh nặng về mặt kinh tế cho người dân có thu nhập thấp và trung bình trong xã hội.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, hiện nay biến đổi khí hậu rất khắc nghiệt, chúng ta cần phải tính trước điều đó bởi hiện tượng xây nhà chung cư đang phát triển rất mạnh, cùng xu hướng nhà kính được nhiều chủ đầu tư sử dụng. Tuy nhiên, các loại kính này là kính hai lớp, phản chiếu ánh nắng mặt trời không vào được trong nhà nhưng lại phản quang xuống đường phố. Như vậy, nhà kính mới chỉ giải quyết khí hậu cục bộ trong nhà mà không hề nghĩ tới việc người tham gia giao thông trên đường phải hứng chịu sự phản nhiệt của những tòa nhà kính đó. Nguyên nhân của tình trạng này là do chúng ta chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn xanh nào áp dụng trong quy hoạch xây dựng đô thị. Do đó, Nhà nước cần ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn, đề ra quy hoạch cụ thể muốn xây đô thị mới phải đáp ứng bao nhiêu phần trăm tỷ lệ xây dựng, bao nhiêu diện tích dành cho không gian xanh, không gian công cộng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân.

Để đẩy mạnh thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, thời gian tới công tác quản lý đô thị cần tập trung vào việc hoàn thiện khung chính sách kế hoạch và đầu tư. Cụ thể, bổ sung, chuẩn bị sẵn sàng để hoàn thiện và áp dụng bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh vào xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Đặc biệt là hoàn thiện khung chính sách tài chính tăng trưởng xanh gồm thuế, phí, trợ giá, các quỹ đầu tư, chế tài, các tiêu chí xanh, phát triển bền vững, tiến tới thúc đẩy thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh. Đồng thời, phải có các chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, tạo động lực thu hút doanh nghiệp chú trọng phát triển công trình xanh để bảo vệ môi trường.