Đề phòng cây xanh gãy, đổ

Nỗi lo cây xanh đường phố gãy đổ là chuyện không mới, nhất là trong mùa mưa bão. Đáng chú ý, tình trạng cây xanh gãy, đổ còn có nguyên nhân từ hệ quả của tình trạng phát triển đô thị quá mức hoặc thiếu đồng bộ.

Cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa, bão là việc làm cần thiết đề phòng sự cố bất ngờ.
Cắt tỉa cây xanh trước mùa mưa, bão là việc làm cần thiết đề phòng sự cố bất ngờ.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Hiện nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh khiến tình trạng nhà cao tầng tăng cao nhưng lại thiếu không gian phát triển cho cây xanh, nhất là đối với các chủng loại cây có tính hướng quang cao như lim xẹt, phượng, xà cừ, sấu, bò cạp nước… Các loại cây này thường bị lệch tán, nghiêng ra đường và có nguy cơ gãy, đổ cao. Khô khan và nóng bức, tại những khu vực có nhiều nhà cao tầng còn tạo nên hiệu ứng gió đường hầm khiến hướng gió, sức gió thay đổi và gia tăng đột ngột khi có giông, lốc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cây xanh dễ ngã đổ.

Phân tích nguyên nhân, có thể thấy, bên cạnh những yếu tố thiên nhiên, thời tiết, hệ thống cây xanh đường phố còn bị tổn hại ở nhiều mức độ khác nhau do tác động từ việc xây dựng, phát triển đô thị, hoặc chỉnh trang hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Ngoài ra, để tiện cho việc thi công các dự án, đại dự án nhà cao tầng hay trung tâm thương mại, người ta đốn hạ hàng loạt cây xanh lâu năm rồi “bù đắp” bằng các hàng cây khác, nhưng lại thiếu hẳn bản sắc cũng như công dụng.

Tình trạng xâm hại cây xanh diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức, từ chủ động phá hoại đến sự thiếu ý thức trong quá trình thi công các công trình, khiến hệ thống cây xanh luôn phải đối mặt rủi ro bất ngờ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Điều đáng lo khác là cũng có khi những tổn hại cây xanh đường phố lại đến từ sự cố ý của con người, xuất phát từ động cơ tư lợi thiển cận, cho rằng cây xanh đường phố làm vướng víu mặt tiền nhà phố.

Việc một cây phượng bất ngờ bật gốc đổ xuống, gây thương vong cho nhiều em học sinh Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP Hồ Chí Minh) và tiếp đó là hàng loạt cây xanh khác liên tiếp đổ trong mấy ngày gần đây buộc các đơn vị chức năng phải rà soát, đốn bỏ những cây có nguy cơ mất an toàn. Thực tế, dù hằng năm việc cắt tỉa vẫn có công ty môi trường đô thị thực hiện, song có thể thấy, quá trình thẩm định, đánh giá an toàn cây xanh trong đô thị còn khá lỏng lẻo. Đồng thời, việc chưa có quy định, quy chuẩn cụ thể đã dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong việc phân loại, quản lý và bảo vệ cây xanh.

Giải pháp chung tay

Hệ thống cây xanh là một bộ phận hợp thành của cấu trúc hạ tầng đô thị hiện đại nhằm tạo ra cảnh quan thiên nhiên, làm đẹp mỹ quan đường phố, cải thiện khí hậu và môi trường sống của cư dân thành thị. Vì thế, vấn đề bảo tồn và phát triển mạng lưới cây xanh cũng phải xem trọng tương ứng. Những sự xâm hại, làm tổn hại tuổi thọ, sinh trưởng của cây xanh như đã xảy ra thời gian qua là một tình trạng nhức nhối, cần có giải pháp ngăn chặn hiệu quả.

Theo đó, nếu những tác động đến từ mưa giông, lốc xoáy thuộc về yếu tố thiên nhiên, thời tiết, thì những tác động do con người có thể chủ động giải quyết. Biện pháp đó là cần có sự thống nhất, đồng bộ khi thi công các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đô thị, chỉnh trang vỉa hè, trong đó các đơn vị thi công, đơn vị chủ đầu tư công trình nên có sự phối hợp nhịp nhàng với bên công viên cây xanh. Khi đó, những chuyện cây xanh bị chặt bớt rễ, bị làm lệch tán, bị mé nhánh không đúng cách chắc chắn sẽ không xảy ra, sự sinh trưởng, độ bền chắc và tuổi thọ của cây xanh đường phố cũng sẽ được bảo đảm hơn.

PGS, TS, KTS Đàm Thu Trang, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Trường đại học Xây dựng) cho rằng, một đặc điểm rất quan trọng mà các nhà hoạch định chính sách phải tính đến là bản sắc cây xanh riêng của từng đô thị đã được định hình trong lịch sử. Những đường phố dài ngập tràn hoa phượng đỏ của TP Hải Phòng, những hàng cây sao dầu cao vút ở TP Hồ Chí Minh, những con đường xà cừ, phố sấu cổ thụ ở Thủ đô Hà Nội đã trở thành “thương hiệu” là minh chứng cho điều đó. Do vậy, việc lựa chọn cây trồng đô thị phải phù hợp điều kiện cụ thể ở từng địa phương, phù hợp kiến trúc và tạo được bản sắc riêng cho từng đô thị là việc đòi hỏi phải được tính toán kỹ càng, tỉ mỉ.

Theo Hiệp hội Cây xanh Việt Nam, giải pháp trước mắt cho vấn đề cây xanh gãy, đổ là cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát hệ thống cây xanh, phát hiện nhanh và sớm nhất những cây bị sâu bệnh. Giải pháp mang tính căn cơ dài hạn là cần huy động tri thức và nghiên cứu đánh giá của các chuyên gia, giới khoa học trong vấn đề bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh đường phố. Các hội thảo chuyên đề về cây xanh đô thị cũng là một kênh để tham vấn ý kiến từ giới chuyên môn, khoa học, giúp nhà quản lý đề ra chính sách, đường hướng bảo vệ và phát triển mảng xanh đô thị.