Cuối năm, đi chợ phố

Người Hà thành có thói quen đi chợ ngày cuối năm, không hẳn là để mua sắm, mà là để thưởng thức, tận hưởng không khí mùa xuân đang về. Thế nên, dù bận bịu đến mấy, nhiều người vẫn dành cho mình khoảng thời gian tĩnh tại, cảm nhận dư vị tại những khu chợ đặc biệt ở phố cổ.

Chợ hoa Hàng Lược.
Chợ hoa Hàng Lược.

1/ Trong thời đại công nghệ đã phổ cập đến mọi nhà, việc chợ búa sắm Tết cũng đơn giản, tiện lợi hơn nhiều so trước kia. Nhưng dù tiện lợi đến mấy, việc đi chợ Tết qua siêu thị, đặt hàng online không thể tạo cảm xúc bằng trực tiếp đi chợ Tết để nghe tiếng ồn ã mặc cả, bán mua...

Nếu ở trên mạng, việc buôn bán thực phẩm Tết đã rục rịch trước đây cả tháng, thì chợ Tết truyền thống chỉ thật sự tấp nập sau ngày ông Công, ông Táo (tức 23 tháng Chạp). Chợ ngày cuối năm chẳng những đầy ắp đồ tiêu dùng, mà còn có rất nhiều hàng hóa chỉ trong ngày Tết mới có từ khắp nơi đổ về. Ở đó, các đặc sản vùng, miền như miến dong, măng lưỡi lợn, nấm hương, cho đến thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, giò bê, giò ngựa… đều có đủ. Vì thế, ngay cả khi chẳng mua gì, chỉ mỗi việc ngắm cảnh người đi chợ thôi cũng đã gọi là vui rồi.

Nhiều người dân Thủ đô vẫn giữ thói quen đi chợ phiên ngày cuối năm, một phần vì quá bận nên thời điểm ấy mới dành được chút thời gian đi sắm Tết. Còn lại, họ đi chợ chỉ để cảm nhận những thứ vốn đã thuộc về ký ức, để sống lại khi nhìn thấy từng sạp hàng bày bán đôi câu đối đỏ, những chiếc kiềng tre treo thức ăn, bó chè xanh mướt, vài tấm bánh quà quê… Vì thế, dù người ta có ngại nơi chợ búa ồn ào đến mấy thì vẫn cứ thích rủ nhau đến chợ. Đơn giản chỉ để xem năm nay hàng hóa có gì mới, người đi chợ có đông vui không, và có thể chỉ là để hỏi han nhau xem mua cái này ở đâu ngon, cái kia ở đâu tốt, nhà đã sắm Tết đến đâu rồi…

2/ Dù ẩm thực là một phần tất yếu trong mỗi dịp Tết, nhưng sắc xuân còn đến từ hoa và cây trái. Thế nên đi chợ để mua hoa, chọn cành đào, chậu quất, chậu mai chơi Tết có khi lại được chú trọng hơn.

Ở khu vực phố cổ, chợ hoa Tết nằm trên các tuyến phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Hàng Rươi, Hàng Mã và tuyến phố bích họa Phùng Hưng (đoạn từ phố Lê Văn Linh tới Hàng Cót), thuộc không gian phố cổ Hà Nội luôn thu hút đông người dân tham gia. Chợ diễn ra từ 8 - 22 giờ hằng ngày, kéo dài đến ngày 24-1 (tức ngày 30 tháng Chạp năm Kỷ Hợi).

Năm nào cũng vậy, cứ sau 23 tháng Chạp là ông Nguyễn Văn Huy (quận Long Biên) lại đi chợ hoa phố cổ. Ông kể, nhà ông trước ở Hàng Khoai nên ông được đi chợ hoa Hàng Lược từ ngày còn bé. Với ông, đó cũng là thú vui, là sự háo hức tuổi thơ và cho đến giờ là thói quen không thể thay đổi. Chợ hoa Hàng Lược có từ những năm đầu thế kỷ 20 và trong ký ức của ông ngày trước, chợ không phong phú như bây giờ, chủ yếu là bán đào, quất, hoa thược dược, cúc, lay ơn, violet… Chợ hoa phố cổ ngày ấy không có sự hối hả, tấp nập như bây giờ mà mọi người vừa thong dong du xuân ngắm cảnh, vừa để chọn hoa chơi vào những ngày Tết. Đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của người Hà Nội, như một hương vị đặc trưng của ngày Tết.

Năm nay, chợ hoa Tết Hàng Lược không chỉ có hoa mà còn có các hoạt động trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làng nghề truyền thống, các dòng tranh dân gian, nặn tò he…; những hoạt động văn hóa - nghệ thuật như hát xẩm, viết chữ thư pháp… diễn ra tại các vòm cầu hai bên cạnh khu vực tranh bích họa phố Phùng Hưng. Các chương trình lễ hội, hoạt động văn hóa truyền thống như chợ hoa Tết gắn với các hoạt động tại không gian bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản của khu phố cổ Hà Nội đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Từ đó thúc đẩy du lịch phát triển, đưa Hà Nội trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn trên bản đồ du lịch.

Từ năm 2018, bên cạnh việc tổ chức chợ hoa Tết truyền thống, UBND quận Hoàn Kiếm còn kết hợp tổ chức các hoạt động tại không gian bích họa trên tuyến phố Phùng Hưng, tạo nên không gian văn hóa - nghệ thuật, sinh hoạt cộng đồng. Đây cũng là tiền đề hình thành tuyến phố Phùng Hưng phát triển theo định hướng dịch vụ, thương mại, du lịch gắn kết với không gian đi bộ khu phố cổ Hà Nội và chợ hoa Tết hằng năm trên địa bàn quận.