Cụm công nghiệp “ba không”

Cụm công nghiệp (CCN) Vức nằm trên địa bàn TP Thanh Hóa được biết đến với biệt danh “ba không”: không hệ thống đường giao thông, không hệ thống xử lý chất thải và không thực hiện nghĩa vụ về môi trường. Tồn tại nhiều năm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân, nhưng đến nay TP Thanh Hóa vẫn chưa có giải pháp nào để xử lý dứt điểm những vấn đề ở CCN này.

Nước thải ở các nhà máy được xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.
Nước thải ở các nhà máy được xả thẳng ra môi trường không qua xử lý.

Sống chung với ô nhiễm

Nằm trên địa bàn ba xã Đông Vinh, Đông Hưng, Đông Quang thuộc TP Thanh Hóa, CCN Vức có gần 30 doanh nghiệp (DN) sản xuất, khai thác vật liệu xây dựng, bê-tông thương phẩm, đá thủ công mỹ nghệ… Từ các nhà máy này, nước thải chảy tràn lan khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn DN ở đây đều không xây dựng bể lắng, khu xử lý nước thải. Hằng ngày có tới hàng trăm lượt xe tải trọng lớn ra vào khu công nghiệp khiến QL45 cũ hư hỏng nghiêm trọng, mỗi lượt xe chạy qua lại kéo theo bụi đường, bụi đá bay mù mịt.

Sống chung với bụi, người dân thường xuyên phải đóng cửa, đầu tư lắp hệ thống giàn che, căng bạt tường rào… nhưng vẫn không xuể. Mắc chứng khó thở, tức ngực, ông Lê Văn Hòa (xã Đông Vinh) chia sẻ: “Bác sĩ kết luận triệu chứng của tôi là do chèn ép bụi môi trường. Trước đây, người dân đã yêu cầu các công ty đóng trên địa bàn phải tưới đường nhưng cũng chỉ được mấy bữa. Giờ thì xe tải đi lại ngày đêm, bụi mù mịt. Nhà tôi cũng làm mọi cách để che chắn mà không ăn thua”.

Thừa nhận những hệ lụy từ CCN, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Vinh Hà Việt Bắc cho biết: “Nhiều hộ gia đình đã phải bỏ ruộng vì bị nước thải của các nhà máy, xí nghiệp trong CCN xả vào. Tình trạng bụi gần như không thể giải quyết được. Vấn đề ô nhiễm đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của xã. Trong văn bản đề nghị cuộc họp tiếp xúc HĐND tỉnh, chúng tôi đã đề xuất, tuy nhiên cấp trên cũng đang xem xét để xử lý dần”.

Còn tại xã Đông Hưng, các công ty sản xuất đá trên địa bàn không xử lý mà xả thẳng nước thải ra sông Nhà Lê, khiến dòng sông này nhiều năm nay mất đi khả năng tiêu thoát nước. Người dân sinh sống chung quanh cũng không thể sản xuất, trồng trọt như trước kia vì ô nhiễm.

Bao giờ mới xử lý?

Năm 2011, UBND tỉnh Thanh Hóa quy hoạch CCN Vức với mục tiêu di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong làng nghề chế biến đá vôi xã Đông Hưng, Đông Tân để ổn định sản xuất và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, sau gần 10 năm đi vào hoạt động, CCN không những không được giải quyết mà còn khiến môi trường ở đây ngày càng ô nhiễm trầm trọng hơn.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm, ông Lê Trọng Giang, Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường, UBND TP Thanh Hóa nhận định: “Trước hết phải sắp xếp lại các doanh nghiệp, tiếp đó là đầu tư cơ sở hạ tầng để xử lý các vấn đề ô nhiễm. Ngoài ra, quá trình chuẩn bị một số hạng mục thu gom xử lý chất thải rắn, nước thải đang được TP Thanh Hóa cho rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, trọng tâm vẫn là rà soát thật cơ bản số DN đang hoạt động để sắp xếp lại cho phù hợp hiện trạng yêu cầu về công tác bảo vệ môi trường, cũng là để khuyến khích các DN đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải.

Về việc triển khai các giải pháp mang tính tạm thời để khắc phục tình trạng ô nhiễm cho người dân, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho biết phần trách nhiệm thuộc về cấp ủy chính quyền cơ sở. Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Bảo vệ Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa khẳng định: “Đây là trách nhiệm của xã trong việc không duy trì bảo đảm môi trường cho người dân. Nếu xã nhận thấy kinh phí không đủ để tưới nước cho người dân thì xã sẽ có trách nhiệm yêu cầu DN phải nộp đầy đủ các chi phí khắc phục tình trạng ô nhiễm do mình gây ra. Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, người gây ô nhiễm có trách nhiệm nộp tiền cho xã để có trách nhiệm chung trong việc khắc phục”.

Cho đến nay, người dân ở ba xã Đông Vinh, Đông Hưng và Đông Tân vẫn chưa biết đến lúc nào mới thoát khỏi tình trạng ô nhiễm. Sự việc kéo dài gần chục năm nay nhưng các giải pháp mới chỉ dừng ở việc rà soát. Điều này cho thấy sự thiếu quyết liệt của cấp ủy chính quyền từ cơ sở đến thành phố trong việc chỉ đạo phát triển sản xuất gắn với công tác bảo vệ môi trường tại đây.