Chủ động trong mùa mưa bão

Vào mùa mưa, người dân Thủ đô lại nơm nớp nỗi lo cây đổ, ngập lụt cục bộ kéo dài, đặc biệt trong bối cảnh dự báo thời tiết năm nay có nhiều diễn biến khó lường. Vì thế, việc thực hiện các giải pháp căn cơ, bền vững để chấm dứt nỗi lo mưa ngập, cây đổ là hết sức cấp thiết.

Ảnh: NGỌC THẮNG
Ảnh: NGỌC THẮNG

Vẫn còn nhiều điểm úng ngập

Theo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện nay khu vực nội thành còn tồn tại 12 điểm úng ngập nặng. Trong đó có sáu điểm không giảm được ngập úng, gồm: Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; ngã năm Đường Thành - Bát Đàn; Cao Bá Quát; Nguyễn Khuyến; Trường Chinh. Đặc biệt, với điểm úng ngập trên Đại lộ Thăng Long (ngã ba đường Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, nút giao An Khánh, huyện Hoài Đức), do chưa được đầu tư hệ thống thoát nước nên phải đắp đập bằng bao tải cát, lắp bơm di động.

Anh Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết: Đặc điểm hệ thống thoát nước khu vực hiện nay vẫn là tự chảy qua các con phố, nếu như có khu vực nào bị tắc do rác thải, bùn đất tồn đọng lâu ngày thì việc lưu thông sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thí dụ như hệ thống thoát nước khu vực Trần Hưng Đạo - Yết Kiêu chủ yếu đổ ra hồ Thiền Quang. Việc thi công nhà ga ngầm S12 thuộc tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội ở khu vực này cũng phần nào ảnh hưởng hệ thống thoát nước khu vực. Do đó, đơn vị phải thường xuyên tăng cường nạo vét bùn đất, bảo đảm dẫn dòng thoát nước.

Để tăng cường hệ thống thoát nước, giảm úng ngập, thành phố đã triển khai sáu giải pháp, gồm nâng cấp trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; hoàn thiện công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước trước mùa mưa (đã hoàn thành bảo dưỡng 56/56 trạm bơm thoát nước trong quý I-2020); đôn đốc, bàn giao, tiếp nhận công trình thoát nước đã hoàn thành; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án cải tạo, chỉnh trang, khắc phục sự cố hệ thống thoát nước; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước.

Trước mắt, trong khi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng mục tiêu đưa nước nhanh nhất về các nguồn tiêu, trạm bơm đầu mối, thoát nước nhanh với trận mưa có cường độ cao thì giải pháp tối ưu vẫn là chủ động chuẩn bị nhân lực, vật lực ở mức cao nhất, sẵn sàng “giải cứu” những điểm úng ngập… Thực tế, các điểm ngập nặng hiện nay chủ yếu ở các khu đô thị mới đang xây dựng, hoặc ở các tuyến đường có nhiều khu đô thị, mật độ chung cư cao. Thêm nữa, các công trình xây dựng dang dở cũng ảnh hưởng lớn khả năng hoạt động của các công trình tiêu, thoát nước. Do vậy, về lâu dài cần có sự đồng bộ trong quy hoạch, quản lý đô thị, trong đó phải quan tâm hệ thống thoát nước.

Sẵn sàng ứng phó

Đến nay, TP Hà Nội đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành sáu trạm xử lý nước thải (Kim Liên, Trúc Bạch, Bắc Thăng Long - Vân Trì, Yên Sở, Bảy Mẫu và Hồ Tây), riêng dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đang trong quá trình thực hiện, dự kiến hoàn thành năm 2024. Để đối phó tình trạng úng ngập trong mùa mưa, các đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ hiện có để bơm nước chống úng ngập cục bộ, ưu tiên giải quyết nhanh trên các trục đường chính, giải tỏa ách tắc giao thông khi có mưa lớn.

Theo kế hoạch, trong mùa mưa bão năm 2020, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội sẽ huy động 100% lực lượng cán bộ, nhân viên túc trực 24/24 giờ, sẵn sàng ứng phó theo phương châm “bốn tại chỗ” để nhanh chóng khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, xử lý kịp thời các trường hợp cây đổ, gây cản trở giao thông trên các tuyến phố, trục đường chính…

Cũng trong năm 2020, TP Hà Nội đặt mục tiêu cắt, sửa khoảng 40.000 - 50.000 cây xanh các loại trên 790 tuyến phố, 39 công viên, vườn hoa, bảy khu đô thị với tiêu chí cắt sửa hạ độ cao, cắt hết các cành khô, cành sâu mục nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do cây xanh bị gãy đổ. Trong đó, ưu tiên cắt sửa những cây nghiêng nguy hiểm, nặng tán, hạ độ cao các loại cây có đường kính lớn, những cây có cành vươn, cành khô, vướng đèn chiếu sáng, tín hiệu giao thông… để bảo đảm an toàn.

Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để chủ động xử lý tình trạng úng ngập, cây đổ, Sở Xây dựng đã lập phương án ứng phó một số tình huống thoát nước nội thành cũng như khắc phục sự cố cây gãy, đổ trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn xã hội cũng như tính mạng cho người dân khi đi lại trong mùa mưa bão.