Chợ truyền thống đang bị... bỏ quên

Quá trình đô thị hóa, sự xuất hiện của siêu thị và trung tâm thương mại tạo sức ép rất lớn lên chợ truyền thống. Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, chợ truyền thống dường như đang bị lãng quên dù vẫn giữ được những giá trị riêng vốn có.

Chợ Hàng Da sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động thiếu hiệu quả so trước đây.
Chợ Hàng Da sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động thiếu hiệu quả so trước đây.

Nhiều bất cập

Hiện Hà Nội có khoảng 160 chợ dân sinh tại khu vực nội thành và 294 chợ dân sinh ở các khu vực ngoại thành. Nhiều chợ trong số này là chợ ngoài trời, ở trong tình trạng xập xệ, nhếch nhác. Vì vậy, có thời gian, Hà Nội đã phá bỏ nhiều chợ truyền thống để xây thành trung tâm thương mại với mục tiêu muốn thành phố Thủ đô dần trở nên hiện đại như các nước phát triển.

Thế nhưng, từ thiết kế tới cơ chế vào chợ sau cải tạo còn nhiều khúc mắc, dẫn tới tình trạng chợ xây mới hoạt động không hiệu quả. Nhiều chợ truyền thống sau khi chuyển đổi mô hình không được người dân đón nhận. Thí dụ như chợ 19-12, khi có ý định xây dựng thành trung tâm thương mại đã bị người dân phản đối, sau đó được quy hoạch thành phố sách; chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam… và một số chợ khác đã cho thấy sự thất bại khi chuyển đổi thành trung tâm thương mại.

Theo khảo sát, có tới 70% khách hàng nói rằng, họ vừa mua hàng ở siêu thị, vừa mua hàng ở chợ. Họ mua hàng ở chợ vì thực phẩm tươi ngon, giá cả phải chăng và tiện lợi. Còn mua hàng ở siêu thị vì cảm thấy thực phẩm ở đó an toàn và chất lượng, mặc dù đắt đỏ hơn. Như vậy, chợ truyền thống vẫn có thể cạnh tranh với siêu thị, nhưng cần phải cải tạo.

Hiện nay, hạ tầng nhiều chợ đã xuống cấp, tình trạng mái che, mái vẩy nhếch nhác. Văn minh thương mại không bảo đảm, các vấn đề về vệ sinh môi trường, tổ chức nguồn hàng, an toàn thực phẩm hàng hóa… còn bất cập, kinh phí cải tạo còn hạn chế. An toàn phòng, chống cháy nổ cũng là một vấn đề. Đã từng xảy ra nhiều vụ cháy chợ gây thiệt hại nghiêm trọng. Vì thế, tại những khu vực đông dân cư, hiện tượng mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây cản trở giao thông vẫn xảy ra thường xuyên. Hệ thống quản lý của chợ một thời gian dài vẫn giản đơn, các chức năng dịch vụ mang tính hỗ trợ như kiểm dịch động, thực vật; phân loại; chế biến; bảo quản; giá cả… còn yếu. Đó là những hạn chế ảnh hưởng hiệu quả hoạt động của mô hình chợ truyền thống cũng như của thị trường chung mà trong một thời gian dài chưa được khắc phục.

Cần hướng đến mô hình mới

Chức năng chính của chợ truyền thống hiện nay vẫn là mua bán thực phẩm. Tuy nhiên, chợ còn là nơi thu thập nhiều câu chuyện “vỉa hè”. Đôi khi câu chuyện giữa người bán với người mua không chỉ là về hàng hóa mà còn mang tính chất trao đổi thông tin. Đó cũng là một nét đẹp, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Có điều, trước sự phát triển nhanh chóng của mô hình siêu thị và trung tâm thương mại, tất yếu hoạt động của chợ truyền thống phải có sự thay đổi nếu không muốn bị bỏ lại. Ở một số địa phương, mô hình chợ văn minh ra đời đã xác định tiêu chuẩn chợ an toàn, văn minh thương mại hướng đến các điều kiện về xây dựng đúng quy chuẩn, tuân thủ nguyên tắc về phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm… đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều người. Dẫu vậy, những mô hình đó chưa nhiều và vẫn có phần lép vế so sự phát triển của hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng: Tìm kiếm một mô hình mới phù hợp xu thế vừa truyền thống, vừa hiện đại đang là câu hỏi khó cho những người hoạch định chính sách. Nhiều người cho rằng, chợ truyền thống cần được hiện đại hóa nhưng điều đó không có nghĩa là chợ phải biến thành siêu thị, hoặc đưa xuống tầng hầm của một trung tâm thương mại. Nếu chúng ta tiếp cận có tính nhân văn, chú ý sâu sát đến nhu cầu mua bán của người dân, cũng như sự sáng tạo của các nhà nghiên cứu, kiến trúc sư thì có thể cải thiện được không gian chợ với chi phí thấp mà vẫn đem lại hiệu quả. Có như vậy, mô hình chợ truyền thống mới phát huy được giá trị trong sự phát triển nhanh chóng về kinh tế - xã hội của đô thị.