Chiều cao thanh niên đã thay đổi

Kết quả Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2020 vừa được Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) công bố cho thấy, sau 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về dinh dưỡng như tăng trưởng chiều cao, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi… Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn đối mặt một số thách thức như vấn đề thừa cân, béo phì ở trẻ hay tăng tiêu thụ thịt.

Chiều cao của người Việt Nam được cải thiện trong thập niên vừa qua.
Chiều cao của người Việt Nam được cải thiện trong thập niên vừa qua.

Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc được tiến hành thường kỳ 10 năm một lần. Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở phạm vi quốc gia, với sự tham gia của 22.400 hộ gia đình tại 25 tỉnh, thành phố. Đây là cơ sở để cơ quan chức năng thu thập các chỉ số về nhân trắc, vi chất dinh dưỡng, khẩu phẩn ăn cá thể, cũng như thông tin về an ninh lương thực và an toàn vệ sinh thực phẩm toàn dân.

Kết quả của Tổng điều tra dinh dưỡng toàn quốc giai đoạn 2019 - 2020 cho thấy, từ năm 2000 đến 2010, chiều cao trung bình nam thanh niên là 168,1 cm (tăng 3,7 cm so năm 2010); nữ cao trung bình 156,2 cm (tăng 1,4 cm so năm 2010). Kể từ năm 1975, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 1,1 cm mỗi thập niên. Như vậy, tốc độ tăng chiều cao của người Việt thập niên vừa qua (từ năm 2010 đến 2020) đã tăng gần gấp đôi. Nếu duy trì được mức tăng trưởng trong các thập kỷ tới thì Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách chiều cao với người Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia có chiều cao hàng đầu châu Á.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nguyên nhân của thực trạng thấp lùn chủ yếu do vấn đề dinh dưỡng (chiếm đến 50%), rồi mới tới yếu tố di truyền (chiếm 20%). 1.000 ngày đầu đời là giai đoạn cần can thiệp tích cực nhất để người trưởng thành đạt chiều cao tiềm năng. Khoảng thời gian này được tính từ thời điểm thụ thai cho đến khi trẻ hai tuổi. Trẻ sinh ra càng bé thì chiều cao khi trưởng thành càng thấp. Do vậy, ngay từ giai đoạn tiền thai kỳ, phụ nữ cần ăn uống đầy đủ theo tháp dinh dưỡng mà Bộ Y tế đã phê duyệt, đồng thời bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng, như sắt, kẽm, vitamin A, canxi, i-ốt... Thế nhưng trên thực tế, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng của bà mẹ và trẻ em vẫn ở mức cao. Theo kết quả tổng điều tra dinh dưỡng, tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em từ 6 - 59 tháng tuổi là 58%, ở phụ nữ có thai là 63,5%. Đặc biệt, tỷ lệ này vẫn còn rất cao đối với trẻ em ở khu vực miền núi phía bắc (67,7%), Tây Nguyên (66,6%). 

Để cải thiện chiều cao, thể lực của người Việt cần phải được can thiệp mạnh mẽ, đặc biệt về chế độ dinh dưỡng. Trong đó, việc giáo dục dinh dưỡng cho các bà mẹ, can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em mới ra đời cần được tiếp tục đẩy mạnh và duy trì. Nếu triển khai hiệu quả tất cả các giải pháp can thiệp, chắc chắn chiều cao của người Việt sẽ tiếp tục tăng.

Theo kết quả điều tra, năng lượng trung bình trong khẩu phần của người Việt đạt 2.023 kcal/người/ngày, tăng nhẹ so mức năng lượng 1.925 kcal/ người/ngày năm 2010. Cơ cấu sinh năng lượng từ protein, lipid và glucid (2020) là 15,8% - 20,2% - 64% (so tổng năng lượng ăn vào). Mức ăn rau quả của người dân đã tăng bình quân đầu người từ 190,4g rau/người/ngày; 60,9g quả chín/người/ngày (2010) lên thành 231,0g rau/người/ngày; 140,7g quả chín/người/ngày (2020). Trong khi đó, tiêu thụ thịt tăng nhanh từ 84g/người/ngày (mức tiêu thụ thịt bình quân trên toàn quốc  năm 2010) tăng lên 136,4g/người/ngày (năm 2020); khu vực thành phố tiêu thụ cao hơn, ở mức 155,3g/người/ngày (năm 2020). Tại các trường học ở thành phố có xu hướng tăng tiêu thụ các loại nước ngọt và thức ăn nhanh.