Cảnh giác trước tội phạm công nghệ

Trước hiện tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng, mới đây, Bộ Công an vừa đưa ra cảnh báo về một số thủ đoạn mà các đối tượng này thường sử dụng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Một vụ án sử dụng công nghệ cao vừa bị triệt phá. Ảnh: NGUYỄN BẢO
Một vụ án sử dụng công nghệ cao vừa bị triệt phá. Ảnh: NGUYỄN BẢO

Cụ thể, các đối tượng tội phạm công nghệ cao thường giả mạo cơ quan điều tra, thông báo liên quan đến một vụ án bất kỳ và yêu cầu khách hàng chuyển tiền để phục vụ điều tra; thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp số OTP khách hàng giả mạo người thân, bạn bè nhờ chuyển tiền hộ, mua thẻ điện thoại.

Với thủ đoạn đánh cắp thông tin bảo mật từ khách hàng, các đối tượng giả mạo yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ. Theo nhận định của cơ quan công an, thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm/ứng dụng gián điệp để đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Đánh cắp thông tin và mật khẩu chủ thẻ ngân hàng, kích hoạt máy đánh cắp thông tin lấy tiền đang được lưu giữ tại các trụ ATM.

Một thủ đoạn khác mà các đối tượng cũng hay sử dụng là dùng cuộc gọi điện thoại giả danh cơ quan nhà nước.

Cụ thể, đối tượng xấu gọi điện thoại giả danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên ngân hàng... gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…; giả mạo người cho vay trực tuyến lừa khách hàng có nhu cầu vay vốn, yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản của người khác.

Ngoài ra, các đối tượng xấu cũng có thể sử dụng phần mềm công nghệ cao (Voice over IP - cách gọi sử dụng ứng dụng truyền tải giọng nói qua mạng máy tính, giả số điện thoại hiển thị trên màn hình…) thực hiện các cuộc gọi có số hiển thị trên màn hình điện thoại người nhận giống với số điện thoại trực ban của công an, sau đó tự xưng cán bộ công an đe dọa, tống tiền người dân. Số điện thoại lừa đảo sẽ xuất hiện thêm các đầu số: 1080, +084028 hoặc +028… phía trước các đầu số máy giả mạo hiển thị khi gọi đến.

Từ các thủ đoạn phạm tội trên, cơ quan công an khuyến nghị người dân cần giữ bí mật thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng (tuyệt đối không tiết lộ mã PIN thẻ, mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần OTP, mật khẩu truy cập địa chỉ email với người lạ, kể cả nhân viên ngân hàng).

Xác thực người đề nghị thực hiện giao dịch tài chính (không chuyển tiền cho đối tượng khi chưa xác thực; cảnh giác đối tượng giả mạo quen biết thông qua mạng xã hội, email, điện thoại, thư giấy, SMS, mạo danh nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước); kiểm tra thông tin của trang web khi thực hiện giao dịch trực tuyến (chỉ nên thực hiện giao dịch tại các website uy tín, có độ bảo mật cao…); hạn chế sử dụng mạng wifi công cộng, tại quán cà-phê để đăng nhập, thực hiện giao dịch trên hệ thống ngân hàng điện tử.

Cảnh giác với các cuộc gọi tự xưng công an, cán bộ viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng… thông báo giám định, trúng thưởng, nhận quà, xác minh và đe dọa, yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản chỉ định. Tuyệt đối không chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản người khác khi không xác định được cụ thể và rõ ràng họ là ai.