Cần ổn định thị trường bất động sản

Hiện nay, nhu cầu nhà ở tại các đô thị như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn rất lớn, đặc biệt là nhà ở giá rẻ, phù hợp khả năng chi trả của phần lớn người dân. Thế nên, bất động sản (BĐS) vẫn là ngành cho thấy sự khởi sắc và được nhận định sẽ tiếp tục tươi sáng trong năm 2021.

Thị trường bất động sản được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.
Thị trường bất động sản được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng.

1/ Năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội, nhiều doanh nghiệp BĐS cũng nằm trong vòng xoáy ấy và phải thu hẹp quy mô, cắt giảm nhân sự song vẫn trụ vững và thị trường có sự tăng trưởng khá. Nếu tính cả các yếu tố vốn, đất đai, vật liệu và xây dựng, ngành BĐS tăng trưởng khoảng 8-11%.

Tại Hà Nội, dù không nhiều nhưng vẫn có một số dự án nhà ở xã hội được mở bán như CT3 - CT4 Kim Chung (huyện Hoài Đức), Ecohome tại Bắc Cổ Nhuế - Chèm, Tòa 19T4 nhà ở xã hội Lucky House (quận Hà Đông)…, cùng một số dự án nhà ở thương mại như Geleximco Southern Star nằm tại 897 Giải Phóng (Hoàng Mai), Feliz Homes (Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai), Tecco Diamond (xã Tứ Hiệp, Thanh Trì)… có mức giá khoảng 25 - 35 triệu đồng/m². Phân khúc căn hộ cao cấp có mức giá 50 - 80 triệu đồng/m² được đầu tư xây dựng với chất lượng hạng sang như chung cư cao cấp The Nine Phạm Văn Đồng, The Matrix One, D’. Le Roi Soleil - Quảng An, Grandeur Palace Giảng Võ...

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, dù ảnh hưởng đại dịch song giá BĐS vẫn tăng liên tục, nhất là tại hai thị trường lớn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Tại các sản phẩm trung cấp mới tung ra thị trường, người mua phải trả từ 1,8 tỷ đồng trở lên để sở hữu căn hộ hai phòng ngủ. Trong khi đó, với khoảng giá 1,2 - 1,7 tỷ đồng, người mua có thể sở hữu căn hộ hai phòng ngủ trên thị trường thứ cấp ở các dự án cũ như Kim Văn - Kim Lũ, Riverside, Eco Lake View, Rose Town, HH Linh Đàm, Đại Kim Building, HUD3 Linh Đàm… 

Theo ghi nhận, giá bình quân các loại căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng khoảng 2 - 3% so quý IV - 2020. Trong đó, các căn hộ bình dân có tỷ lệ tăng giá mạnh nhất, kế tiếp là căn hộ trung cấp. Điều đáng nói là các dự án căn hộ bình dân có mức giá dưới 20 triệu đồng/m² hầu như không xuất hiện, nếu có thì lại nằm tại các khu vực xa trung tâm và hạ tầng hạn chế, giao thông không thuận lợi, các dịch vụ tiện ích xã hội không bảo đảm… dẫn đến sự chênh lệch cung - cầu về nhà ở rất lớn trong thời gian qua.

2/ Thị trường chung cư Hà Nội đang ghi nhận hai xu hướng mua bán chính. Thứ nhất, với những người mua tài chính hạn hẹp, không “với” được những dự án mới có mức giá cao nên thường chọn và tìm mua các dự án cũ được xây trong 5 - 10 năm gần đây. Thứ hai, người mua có điều kiện hơn hoặc chấp nhận vay mượn tỷ lệ lớn để mua các căn hộ dự án mới. Dù đắt đỏ nhưng nhóm khách này thích nhà mới và những dự án mới, theo quảng cáo thì vượt trội hơn hẳn các dự án cũ về tiện ích và dịch vụ đi kèm. Tuy nhiên, với lợi thế giá rẻ, các dự án cũ vẫn có sức hút lớn khi nhiều khách hàng tập trung ở dòng sản phẩm này.

Các chuyên gia nhận định, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến tâm lý khách hàng mua BĐS, do đó xu hướng giữ tiền mặt vẫn sẽ diễn ra và lượng mua còn hạn chế. Tuy nhiên, điều này không khiến thị trường BĐS “đóng băng” hoặc mất đi sức hút. Sức nóng có thể trở lại trong các quý tiếp theo và tiếp diễn đến đâu tùy thuộc chất lượng nguồn cung cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ trong thời gian tới. Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho biết, năm 2020, dịch bệnh bùng phát khiến thị trường BĐS rơi vào cảnh trầm lắng nhưng đã lấy lại đà phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ trong sáu tháng cuối năm 2020. Thế nên, giá nhà tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang tăng đột biến, có những dự án đã tăng lên khoảng 10 - 15%. Việc khan hiếm nguồn cung dự án tốt trong bối cảnh lực cầu mạnh tại các đô thị là nguyên nhân chính làm tăng giá trên thị trường. 

Nhìn nhận về vấn đề nhà ở, xuất hiện nhiều cảnh báo cho rằng, hiện nay nguồn cung và cầu trên thị trường đang có sự chênh lệch. Cơ cấu sản phẩm mất cân đối, chưa bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường và bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ căn hộ bình dân giảm xuống trong khi căn hộ trung cấp và cao cấp lại tăng. Đây là dấu hiệu lệch pha cung - cầu khiến việc phát triển nhà ở thiếu bền vững và có thể gây ra “bong bóng” nếu thị trường không được bình ổn, điều tiết và kiểm soát chặt chẽ.