Cam kết và cùng hành động

Thống kê cho thấy, mỗi ngày Hà Nội thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nylon chiếm 7 - 8%. Đây là gánh nặng cho môi trường, thậm chí có thể dẫn tới thảm họa “ô nhiễm trắng”. Bởi vậy, ngoài hành động quyết liệt của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của người dân, sự đồng hành của doanh nghiệp trong việc giảm bớt rác thải nhựa.

Các cấp chính quyền Hà Nội tích cực triển khai việc hạn chế sử dụng đồ nhựa trong hội họp.
Các cấp chính quyền Hà Nội tích cực triển khai việc hạn chế sử dụng đồ nhựa trong hội họp.

Tỷ lệ phân loại rác còn thấp

Tại Hội thảo “Giảm bớt rác thải nhựa - Hành động của chính quyền, doanh nghiệp và người dân” do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội phối hợp với Live & Learn, tổ chức ICLEI và Đại sứ quán Hà Lan vừa tổ chức, những kinh nghiệm của quốc tế và Hà Nội cũng như những thực hành của các nhóm doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong trong việc quản lý và giảm bớt rác thải cũng đã được các đại biểu cùng đưa ra phân tích.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT TP Hà Nội) cho biết, ô nhiễm chất thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề cấp thiết, đòi hỏi phải có sự chung tay, cam kết mạnh mẽ của các cấp cũng như người dân. Ở các thành phố lớn của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ phân loại chất thải tại nguồn rất thấp, công nghệ tái chế nhựa đã lỗi thời, hiệu quả thấp, chi phí cao và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi thói quen của người dân sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa một lần ngày càng tăng. Điều này càng khiến việc xử lý rác thải nhựa thêm khó khăn.

Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, trong khoảng 6.000 tấn rác thải mỗi ngày của Thủ đô, có tới khoảng 1.000 tấn (gần 18%) là rác thải nhựa. Những năm 2000, tỷ lệ rác thải nhựa là khoảng 12% nhưng hiện nay đang tăng rất nhanh. Ở Hà Nội, việc phân loại rác thải tại nguồn chỉ mang tính phong trào nên việc xử lý sau này gặp nhiều khó khăn. Tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) mỗi ngày có khoảng 600 người nhặt rác thải nhựa và bán lại cho các làng nghề tái chế. Đây là nguyên nhân gây ra ô nhiễm thứ cấp khi công nghệ tái chế ở các làng nghề chủ yếu là thủ công. Do đó, thành phố cần phối hợp với các tổ chức có kinh nghiệm để nâng cấp công nghệ xử lý rác thải nhựa.

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm bớt tác động tiêu cực của nhựa, chúng ta cần đưa ra các sản phẩm nhựa bền vững, dễ tái chế hơn. Đồng thời, cần thay đổi thái độ về việc sử dụng nhựa dùng một lần bởi chi phí xử lý lớn hơn rất nhiều so chi phí làm ra các sản phẩm này.

Cần sự đồng hành rộng khắp

Hiện TP Hà Nội phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, thành phố đã và đang nỗ lực hành động để chống rác thải nhựa. Hà Nội đã tích cực tham gia đối thoại, chia sẻ thông tin, xây dựng mạng lưới hợp tác, cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn hiểm họa ô nhiễm rác thải nhựa. Nhiều hội thảo huy động sáng kiến quốc tế và địa phương nhằm kêu gọi các bên liên quan đồng hành cùng thành phố trong cuộc chiến chống rác thải nhựa. Gần đây nhất là đối thoại giữa TP Hà Nội và TP Tokyo (Nhật Bản) nhằm chia sẻ các sáng kiến, kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ Hà Nội hành động hiệu quả, quyết liệt giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Trước đó, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 232 về việc phòng, chống rác thải nhựa và túi nylon đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn thành phố. Theo kế hoạch, tất cả các đơn vị, cơ quan, tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND thành phố không sử dụng túi nylon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11. Cùng với đó, tăng cường thu gom, giảm bớt phát thải chất thải nhựa trên địa bàn, đến ngày 31-12-2020 hạn chế đến mức thấp nhất các cơ sở sản xuất bao bì tiêu dùng bằng nhựa. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kết hợp nhiều việc làm cụ thể nhằm giảm rác thải nhựa, như thí điểm thu gom vỏ hộp sữa giấy tại 637 trường học, yêu cầu các cơ quan, công sở không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, vận động, hỗ trợ các chuỗi nhà hàng thay thế cốc, thìa, ống hút nhựa bằng sản phẩm thân thiện môi trường…

Hưởng ứng lời kêu gọi, một số doanh nghiệp đã bắt đầu thực hành quản lý và hạn chế rác thải nhựa. Số liệu thống kê cho thấy, Khách sạn Fortuna Hà Nội mỗi năm đã giảm được 238.860 chai nhựa, 73.000 ống hút nhựa, 36.648 kg túi nhựa. Tập đoàn Unilever Việt Nam cũng đang nỗ lực cắt giảm 100 tấn nhựa trong sản xuất hằng năm bằng cách giảm thành phần sản xuất bao bì, tiến tới không dùng sản phẩm nhựa trong sản xuất. Một số doanh nghiệp như Xanh Shop, Sạp hàng chàng Sen, Trạm Refill Station... cũng cung cấp sản phẩm thay thế để hạn chế rác thải nhựa trong tiêu dùng. Những doanh nghiệp này không chỉ dừng lại ở việc cung cấp sản phẩm xanh, mà còn góp phần truyền tải thông điệp tốt đẹp, giúp việc này trở nên gần gũi và có thể thực hành mỗi ngày.