Bất cập chiếu sáng đô thị

Hệ thống đèn chiếu sáng đô thị không chỉ góp phần bảo đảm an ninh, an toàn giao thông mà còn có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan thành phố. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành chiếu sáng hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn khá nhiều vấn đề cần bàn.

Hệ thống chiếu sáng ở Thủ đô thiếu sự phân bổ đồng đều. Ảnh: HẢI NAM
Hệ thống chiếu sáng ở Thủ đô thiếu sự phân bổ đồng đều. Ảnh: HẢI NAM

1/ Thời gian qua, cùng với sự gia tăng về tốc độ, chất lượng đô thị hóa, công tác quy hoạch, chiếu sáng đô thị cũng được quan tâm. Đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết, thành phố lại càng lung linh, rực rỡ sắc mầu, lộng lẫy ánh đèn. Từ đó, mỹ quan đô thị được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sống ngày càng cao của người dân.

Không thể phủ nhận những mặt tích cực của hệ thống chiếu sáng đô thị khiến thành phố sầm uất, hiện đại hơn. Song, những bất cập chung quanh vấn đề chiếu sáng vẫn còn khá nhiều. Hiện nay, điện năng dùng cho chiếu sáng của Việt Nam chiếm khoảng 25% điện năng tiêu thụ của cả nước, cao hơn nhiều so mức trung bình 20% trên thế giới. Trong đó, hệ thống chiếu sáng công cộng là lĩnh vực tiêu tốn nhiều năng lượng do thiết kế, lắp đặt và sử dụng chiếu sáng chưa hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ tiêu chuẩn sản phẩm chiếu sáng hiện hành hầu hết được ban hành từ những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, không còn phù hợp thực tế hiện nay. Các tiêu chuẩn chiếu sáng thiếu đồng bộ, không thống nhất về các chỉ tiêu độ rọi, độ chói và chất lượng ánh sáng; chưa có các quy định cụ thể về giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Tại Hà Nội, hệ thống chiếu sáng công cộng đã có hơn 40 năm đầu tư và phát triển, đặc biệt hơn 10 năm trở lại đây (từ sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008), quy mô và tốc độ phát triển của hệ thống chiếu sáng công cộng rất lớn. Đến nay, quy mô lưới chiếu sáng công cộng của Hà Nội gồm khoảng gần 200 nghìn đèn các loại, với khoảng 2.500 tủ điều khiển, tổng công suất tiêu thụ điện 27 MW (megawatt), tổng chiều dài các tuyến chiếu sáng khoảng 5.000 km trải dài trên địa bàn 30 quận, huyện.

PGS, TS Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam cho biết, công tác quản lý chiếu sáng đô thị vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều quy hoạch được xây dựng nhưng nội dung chiếu sáng chỉ được đề cập rất sơ lược, chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung quy hoạch chiếu sáng đô thị. Việc đầu tư cho hệ thống chiếu sáng đô thị chưa được quan tâm đúng mức so tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa. Cùng với đó, công tác quản lý và vận hành hệ thống chiếu sáng chưa thống nhất, tập trung quá nhiều đầu mối dẫn đến tình trạng lãng phí điện không cần thiết.

Tại nhiều nơi, việc xây dựng các công trình chiếu sáng không đồng thời với việc xây dựng, cải tạo, nâng cấp đô thị dẫn đến tình trạng khu vực xây dựng xong nhưng thiếu hệ thống chiếu sáng hoặc đầu tư hệ thống chiếu sáng khó khăn, tốn kém. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư hằng năm còn hạn chế cho nên chưa triển khai áp dụng được các công nghệ chiếu sáng mới hiệu suất cao.

2/ Việc thiếu quy hoạch chiếu sáng đô thị đang dẫn đến tình trạng chồng chéo, lộn xộn, thậm chí là lãng phí điện tại nhiều đô thị lớn trên cả nước. Đơn cử như tại Hà Nội, khi triển khai xây dựng tổng sơ đồ hệ thống chiếu sáng thành phố chỉ giới hạn trong phạm vi các quận nội thành. Kết quả là ngoài các tuyến chiếu sáng được xây dựng, cải tạo nâng cấp mới theo quy hoạch thì hiện vẫn còn hàng chục nghìn bộ đèn được sản xuất với trình độ công nghệ thấp, có hiệu suất phát quang thấp, chiếm 40% tổng số đèn trên lưới nhưng vẫn đang sử dụng tại nhiều khu vực. Điều đáng nói, chính các bộ đèn này đã và đang gây lãng phí điện nghiêm trọng.

GS, TS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, hiện nay, việc quản lý chiếu sáng tại Hà Nội nói riêng và các đô thị tại Việt Nam nói chung chưa đồng bộ; phân cấp quản lý còn nhỏ lẻ. Trong khi việc tổ chức chiếu sáng phải lưu ý tới những nét đặc điểm riêng biệt của từng đô thị, giúp người dân nhận thấy không chỉ vẻ đẹp của ánh sáng đô thị, mà còn bao hàm cả những giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa của các công trình, di tích… Nhiều người cho rằng, nhiều đèn, nhiều ánh sáng là đô thị sẽ đẹp, tuy nhiên nếu không được nghiên cứu kỹ, có quy hoạch cụ thể, có tính lâu dài thì chiếu sáng sẽ chỉ gây sự nhàm chán và tốn kém.

Hệ thống chiếu sáng công cộng là một phần tất yếu của đô thị, bất kỳ cảnh quan kiến trúc nào cũng cần phải có, không chỉ góp phần tạo mỹ quan mà còn xác định bản sắc cho bất cứ thành phố nào trên thế giới. Do đó, khi quy hoạch đô thị cần có quy hoạch hạ tầng chiếu sáng sao cho phù hợp điều kiện, đặc điểm văn hóa của từng địa phương. Đồng thời, thay vì chỉ “tắt cho bớt tốn điện” thì cần có biện pháp tiết giảm điện năng hợp lý hơn.