Bao giờ thoát cảnh ngập, lụt?

Dù đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng hệ thống thoát nước ở Thủ đô vẫn hoạt động kém hiệu quả. Dư luận đặt câu hỏi, bao giờ thành phố thoát cảnh úng ngập mỗi khi trời mưa?

Mỗi khi trời mưa, người dân lại thường trực nỗi lo ngập, lụt. Ảnh: MINH DŨNG
Mỗi khi trời mưa, người dân lại thường trực nỗi lo ngập, lụt. Ảnh: MINH DŨNG

“Thiên đường”… cũng ngập

Nhiều năm qua, mặc dù hệ thống hạ tầng được đầu tư từ dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành, tuy nhiên mỗi khi trời mưa là Thủ đô lại chìm trong biển nước và tình hình ngày càng nghiêm trọng. Nếu như trước đây, các tuyến đường nội thành ít bị ngập do mưa, thì nay nhiều tuyến phố như Trần Phú, Đường Thành, Tông Đản, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… cũng bị ngập.

Khu vực nội thành là vậy, nhưng ở những khu đô thị mới (KĐT), tình hình cũng chẳng khá hơn, thậm chí còn chịu ảnh hưởng nặng nề. Những ngày qua, tại KĐT An Khánh, Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức)… người dân phải vật lộn với tình trạng úng ngập. Điều đáng nói, đây là những KĐT mới, được nhà đầu tư quảng cáo là có thiết kế quy hoạch xây dựng với phong cách chuẩn châu Âu. Tiêu chuẩn nào không rõ, chỉ thấy mỗi khi mưa lớn, người dân sống tại những nơi này chỉ biết thở dài ngao ngán bởi cảnh ngập lụt.

Để đối phó những khó khăn khi phải di chuyển trong biển nước, nhiều gia đình đã sắm xuồng, mua sẵn máy bơm để hút nước ở tầng hầm mỗi khi trời mưa to. “Ở đây, có hộ dùng bao cát và căng bạt che chắn làm đập ngăn nước tràn vào nhà. Bây giờ mỗi lần thấy mưa, chúng tôi lại lo ngập. Hầu như nhà nào cũng sắm sẵn máy bơm và xuồng để dự phòng cho mùa mưa”, người dân trong KĐT cho biết.

Anh Nguyễn Tiến Hiệp, cư dân sống tại một chung cư cho biết, mỗi lần mưa to là người dân phải vật lộn dò đường đi lại. “Không thể hiểu được tiêu chuẩn của KĐT mới này ra sao khi cứ mưa to là lại lo ngập? Bỏ tiền tỷ mua nhà ở “thiên đường”, cứ tưởng được hưởng cuộc sống dễ chịu, ấy vậy mà cứ đến mùa mưa là nơi đây lại thành ốc đảo, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, nhưng chẳng thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm”, anh Hiệp bức xúc.

Giải pháp chống ngập còn hạn chế

Những năm qua, thành phố đã có nhiều nỗ lực đưa ra những giải pháp chống ngập úng, triển khai các dự án đầu tư thông qua nguồn vay nước ngoài cho mục tiêu thoát nước của Hà Nội. Với sự đầu tư đó, nhiều hệ thống cống thoát nước được mở rộng, cải tạo. Tuy nhiên, những giải pháp này vẫn chưa mang lại hiệu quả cao. Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để tìm ra lời giải cho bài toán khó này?

Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng ngập úng đường phố ở Hà Nội là tốc độ đô thị hóa quá nhanh, cộng với việc quy hoạch hệ thống giao thông đô thị chưa có tầm nhìn dài hạn. Chính bởi quy hoạch giao thông không khoa học và chưa có tầm nhìn xa, nên mỗi khi trời mưa lớn, lượng nước dồn về thoát không kịp đã gây ngập úng cục bộ.

Bên cạnh đó, còn do cốt nền tại nhiều KĐT không đồng nhất, các nhà đầu tư, quản lý đô thị mới không tuân thủ về nguyên tắc chuẩn cốt nền chung. Trước đây, nhiều khu vực vốn là đồng ruộng, ao hồ nên rất dễ thoát nước vì mưa ngấm xuống đất hoặc chảy ra các sông, hồ, nhưng nay những khu vực này đã bê-tông hóa nên nước bị ứ đọng trên diện rộng.

TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, tình trạng ngập úng xảy ra tại nhiều KĐT mới là một điều đáng buồn, nguyên nhân xuất phát từ các nhà đầu tư, quản lý KĐT mới khi chỉ muốn xây nhà để bán mà ít quan tâm chất lượng hạ tầng. Các dự án, KĐT cứ đua nhau mọc lên, trong khi mỗi nơi lại áp dụng một kiểu cốt nền khác nhau, nơi cao nơi thấp nên dẫn đến khó khăn trong tiêu thoát nước.

Các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng nhất trong giải pháp chống ngập úng ở TP Hà Nội hiện nay là phải tập trung kiểm soát lại và làm chủ được tình trạng hệ thống tiêu nước hiện có. Cùng với đó là khơi thông hệ thống cống rãnh, kênh mương để nước thoát nhanh ra các sông ngòi, dẫn ra các trạm bơm cưỡng bức. Trên thực tế, hệ thống thoát nước ở Thủ đô tuy đã được cải thiện nhưng khả năng kết nối giữa các khu vực với hệ thống kênh mương vẫn chưa tốt. Các giải pháp thoát nước cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. Thế nên, việc người dân phải nơm nớp lo chống ngập mỗi khi mùa mưa đến xem ra vẫn còn kéo dài.